Tết có mùi không? Có chứ. Tôi nhận ra mùi tết từ hương quả bưởi chín vàng mẹ để dành trên cây đợi đúng thời điểm mới trảy để bày lên mâm ngũ quả. Phảng phất hương mùi già trong góc vườn phấp phỏng nồi nước nghi ngút để tẩy trần cuối năm.
Mùi chộn rộn của thức nấu, của hương hoa quất ngọt thanh trong cái chậu nhỏ, mùi hoa ly ngào ngạt mỗi lúc lại qua. Nhưng thứ mùi gợi nhớ tết nhất, nao nức và mong chờ nhất chính là mùi hương tết - thứ hương đen mẹ chỉ mua và thắp duy nhất một lần trong năm vào dịp đặc biệt. Sau này tôi mới biết, đó là hương làng Chóa.
Có nhiều làng nghề làm hương trên khắp đất nước nhưng làm hương đen thì chắc chỉ có đôi làng. Thật thú vị vì một trong số đó là ngôi làng phía nam của huyện, cách làng tôi chừng chục cây số. Làng có tên gọi chính thức là Lạc Trung, tên dân dã Chóa Bến để phân biệt với Chóa chợ, Chóa Giữa…
“Chóa” không biết nghĩa gì còn “Bến” là bởi làng nằm ngay bến nước con sông Cầu- đúng đoạn lơ thơ và chùng chình nhất khi đang đổ xuôi từ thượng nguồn xuống hạ lưu. Bến nước, bãi bồi có phải là một phần nguyên cớ cho cái nghề dâng hương thơm cho đời của làng không nhỉ? Bởi nguyên liệu làm nên thứ hương đặc biệt này hoàn toàn tự nhiên và dân dã. Là nhựa trám, than hoa, trầm…
Khởi sự của năm mới, thật ấm lòng khi thấy hoa nở bình yên, thấy chim hót quanh vườn mà một mùi hương thân thuộc. Là mùi tết, rưng rưng và vĩnh cửu!
Tôi cứ thắc mắc mãi ai là người nghĩ ra công thức và sự pha trộn độc đáo và kì diệu đến vậy để tạo ra một thứ hương có màu đặc trưng, khác hẳn những loại hương còn lại ? Một thứ màu đen nhánh, chất hương thì đặc quánh gợi nét gì âm u, trầm mặc; vừa thành kính, lại gợi nét gì cổ xưa, mộc mạc. Đến kích thước của hương cũng khác biệt. Có loại 30 cm như các loại hương phổ biến nhưng có loại 50 cm, 80 cm, 1 m và kỉ lục nhất là những cây hương dài 1,2m. Và đó chính là loại hương mẹ tôi vẫn mua vào dịp Tết.
Vì thế, cứ mặc định một điều, một buổi nào của tháng Chạp khi mẹ đi chợ về, trong đống đồ có một bó hương đen dài là biết tết đã về đến cửa. Mẹ còn gọi đó là hương sào. Từ lúc lựa mua, sắp đồ, mang về luôn là sự tính toán, nhẹ nhàng nâng niu từng chút một, mẹ vẫn coi việc mua hương đen như một nghi lễ. Vì hương tết đem lại lộc cho cả năm. Tôi thắc mắc, sao người ta làm cây hương dài như vậy cho vất vả cả người làm và người mua?
Mẹ giải thích, dài như vậy để đốt lâu hết, có thể cháy cả một ngày dài. Để mời ông bà, tổ tiên về ăn tết liên tục không gián đoạn. Hơn nữa, nhà lúc nào cũng thơm cũng ấm. Tránh lúc vội vàng hay quên mà thắp hương ngắn hết sẽ không kịp thay. Có lẽ vì thế mà mẹ thường mua 3 cây hương đen dài thắp 3 mùng.
Tôi thương nhớ những ngày tết nơi nhà cũ đến thế. Nhà ngói 3 gian, bàn thờ gỗ ông ngoại đóng cho gắn từ 2 cây cột vào tường. Mỗi khi thắp cây hương đen tưởng chạm gần đến mái. Khói hương lặng lẽ, nghi ngút, mùi thơm trầm ấm lan tỏa khắp không gian. Những ngày đó, không cần biết trong nhà cỗ bàn, bánh kẹo, hoa quả nhiều ít đến đâu, chỉ cần ngửi thấy thứ mùi hương thân thuộc, tôi đã thấy thật đủ đầy.
Đi lễ tết cũng vậy, từ nhà nọ nối sang nhà kia, nhà nào cũng mùi hương đen thơm vấn vít; tôi tưởng mình lạc vào một thế giới khác, với bầu không khí thiêng liêng, ấm áp và rất đỗi ngọt ngào. Bầu không khí trong veo, huyễn hoặc, vừa xa xôi vừa gần gụi. Tôi nghe thấy tiếng chồi non tách vỏ, thấy nắng rung rinh, thấy mưa dìu dịu và gió se nồng; cảm tưởng như có bầu xưa cũ đang hòa quyện với hiện tại xung quanh.
Tôi gặp ông bà, cụ kị, cô bác, những người đã khuất… bỗng trở về thủ thỉ đầy thương yêu và quyến luyến. Những vòng khói phơ phất nói biết bao điều. Hương đen không nhiều khói như các loại hương khác; khói hương cũng thật thanh, thật mỏng nhưng dịu dàng và tĩnh tại. Tôi nghe lòng những bình yên, nhẹ nhõm lạ kì. Ngoài kia có thể rộn rã tiếng pháo ran, tiếng hát hò dập dìu, ồn ã nhưng chỉ cần bước vào cửa, bén mùi hương tỏa ra, bỗng bắt gặp những lắng đọng vô cùng dễ chịu.
Không biết là nhựa trám, than hoa hay tỉ lệ trầm thích hợp đã tạo ra thứ mùi thơm đặc trưng vừa ngọt nồng vừa thanh khiết cho loại hương này? Hay là sự hòa trộn tất cả những thứ đó với bàn tay khéo léo của người làm đã gửi vào hương loại mật mã mùi không thể lẫn. Tôi đã ngửi rất nhiều loại hương khi có dịp đi chùa, đi lễ, các dịp giỗ chạp trong năm mẹ mua về thắp. Thậm chí còn giúp mẹ bán đủ các loại hương trong cửa hàng tạp hóa nhưng không có loại hương nào ấn tượng đến thế, gây mong chờ đến thế.
Và có dịp về làng Chóa, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội “mục sở thị” cảnh làm hương có một không hai. Cứ ngỡ mình lạc giữa thế giới của nứa, tăm nhuộm xòe như những đóa hoa ngàn cánh. Giàn phơi hương cũng trải khắp trong nhà, ngoài ngõ, ngoài sân. Màu vàng ngà của tăm nứa, màu đỏ của chân hương, màu đen của than hoa trộn nhựa tram tạo nên bức tranh lập thể rực rỡ, bắt mắt.
Dạo một vòng quanh làng, văng vẳng tiếng se hương lách cách vui tai. Trước sân mỗi nhà tràn ngập sắc màu đỏ, đen, vàng của những cây hương thành phẩm. Ánh mắt lấp lánh, nụ cười hồn hậu của những người làm hương sáng bừng trong cái nắng cuối năm dịu ngọt.
Tôi hỏi về quy trình làm được biết, khâu pha chế là quan trọng nhất. Đầu tiên người ta đun sôi nhựa trám rồi trộn vào than hoa đã nghiền nhỏ. Tiếp đó cho hỗn hợp vào máy đảo, nhồi để tạo độ dẻo. Trước kia thường nhào trộn thủ công bằng tay, lâu hơn nhưng cho ra khối hỗn hợp rất sánh, dẻo, mịn. Từ khối hỗn hợp đó sẽ cắt thành từng miếng, hấp cách thủy rồi se hương bằng tay.
Có thể se bằng máy nhưng những que hương se bằng tay sẽ chắc, nuột và không bị vụn bở khi vận chuyển. Nhìn những đôi bàn tay thoăn thoắt với khối bột nhào nặn rồi se đều quanh tăm nứa, thoáng chốc thành những que hương đều tăm tắp thật vui mắt. Hương làm xong để trong nhà từ 7-10 ngày sau đó đốt thử, nếu đạt yêu cầu thì mới đem bán. Chân hương có thể nhuộm đỏ hoặc để trắng tùy nhu cầu.
Thắc mắc tại sao hương đen làng Chóa lại có mùi hương đặc trưng khó lẫn và ấn tượng đến vậy, cuối cùng cũng có lời giải đáp. Do nguyên liệu đặc biệt tạo nên mùi hương rất riêng, khói hương lại không độc hại với người dùng. Nhựa trám, than hoa được chọn mua từ những nơi đảm bảo tận vùng núi Tây Bắc rồi các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa… que hương thì được vót từ nứa đã ngâm 3-5 tháng rồi phơi nắng cho kĩ, cho khô.
Đặc biệt chân hương không đậu tàn do không tẩm hóa chất như đa số hương trên thị trường; chỉ có một vài chân hương được làm từ nứa có cật tốt mới đậu lại tàn cong rất tự nhiên. Thú vị nữa, hương để hằng năm cũng khó bị ẩm mốc; nén hương dù bị dính nước thì khi thắp vẫn cháy đều.
Nghe kể về quy trình, những điểm đặc biệt của hương đen rồi nhìn từng cây hương mảnh khảnh hay bó hương đã đóng hàng trăm nén bỗng thấy thấm thía công sức và tâm huyết của những người đã làm ra nó.
Nhưng giờ người làm hương ngày càng ít hơn vì thu nhập không cao bằng một số công việc khác, lại vất vả, rồi sự cạnh tranh trên thị trường. Nghe nói, có những người con của làng vẫn luôn trăn trở để giữ nghề, duy trì nghề và lan tỏa sản phẩm vừa ý nghĩa, vừa tốt đến muôn nơi.
Chỉ mong còn nhiều người yêu nghề, gắn bó duyên nợ với nghề, với quê hương như thế để mỗi dịp tết đến xuân về; ngoài hoa đào, bánh chưng, dưa hành, lại thấy mùi tết rưng rưng trong nếp nhà theo năm tháng.
Bởi bao năm rồi mẹ tôi vẫn giữ thói quen mua hương đen vào dịp tết. Và tôi, như sự nối tiếp của tự nhiên trong tiềm thức, khi có gia đình nhỏ, cũng không quên lựa tìm những cây hương đen dài ấy cho những ngày mùng bên cạnh những thẻ hương ngắn, hộp hương vòng. Lũ trẻ con lại thắc mắc về loại hương lạ lùng, ít thấy. Tôi hỏi, các con thấy mùi hương này thế nào? “Ấm và thơm, dịu nữa ạ!”
Quả thật, mùi hương ấy thật sâu, thật bền. Dường như mỗi năm tôi lại ngửi thấy thêm hương thời gian quẩn quýt quanh những vồng khói nhẹ nhàng, thanh thoát, thấy lòng mình lắng dịu hơn trước những nắng mưa, bon chen cuộc đời.
Khởi sự của năm mới, thật ấm lòng khi thấy hoa nở bình yên, thấy chim hót quanh vườn mà một mùi hương thân thuộc. Là mùi tết, rưng rưng và vĩnh cửu!