Trung Quốc ngày càng bỏ xa nước Mỹ xét về những dự án đắt tiền. Đất nước đông dân nhất thế giới và cũng là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này đang ra sức xây dựng những công trình lớn tuyệt đẹp thách thức lòng can đảm của du khách toàn thế giới.
Lối mòn hiểm trở ở núi Hoa Sơn, Thiểm Tây. (Nguồn: Getty).
Nằm sâu trong thung lũng Gulongxia, thành phố Thanh Viễn là một đài quan sát bằng kính ở độ cao 202 m. Nó kéo dài 72 m từ một vách núi và cho du khách tới thăm cảm giác mạnh khi đi trên đó. Nhưng đây không phải khu vực thắng cảnh duy nhất gây cảm giác mạnh cho du khách, mà trên thực tế, Trung Quốc có vô số địa điểm như vậy. Năm ngoái, Sách Kỷ lục Guinness thế giới nhận được 2.000 đăng ký kỷ lục mới từ Trung Quốc - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Và trong số đó thì kiến trúc có khả năng ghi danh vào sách kỷ lục nhất chính là cây cầu trong suốt làm bằng thép và kính có trọng lượng 3.000 tấn ở ngọn núi Phục Hy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Cây cầu này đã được chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/6/2018. Những du khách có đủ can đảm khi đi trên cây cầu này có thể nhìn xuyên qua lớp kính dưới chân họ để chứng kiến toàn cảnh bên dưới, ở độ cao 360 m.
Cây cầu mới này mở rộng 30 m so với vách núi, tạo thành một góc ngoặt chữ U. Tờ China Daily của Trung Quốc đã gọi kiến trúc này là “cây cầu kính vòng cung dài nhất thế giới”, dù rằng vị trí đầu bảng của nó có thể bị thách thức bởi một kiến trúc khác cũng ở nước này.
Không chỉ dừng lại ở một hành lang, cây cầu trong suốt ở núi Tianmen, tỉnh Hồ Nam có tới 3 hành lang, và hành lang mới nhất mở cửa chính thức vào mùa Hè năm 2016. Ngắm cảnh trên cây cầu trong suốt bám trụ vào vách đá cheo leo chắc chắn sẽ khiến nhiều người rùng mình.
Cây cầu đáy kính ở Hongyagu, tỉnh Hà Bắc. (Nguồn: Shanghailist).
Bám trên vách đá có độ cao 1.430m, cây cầu này được làm bằng kính trong suốt với chiều dài lên đến 60m. Cây cầu kính trong suốt chạy men theo các vách đá thẳng đứng, cheo leo của núi Tianmen với lối đi rộng gần 1m. Do được thiết kế hoàn toàn bằng kính nên khi đến đây du khách luôn được yêu cầu quấn vải quanh đế giày để chống trơn trượt và cũng giúp việc giữ cho mặt kính luôn được sạch sẽ.
Du khách tới đây cũng có thể lựa chọn sử dụng đường xe cáp dài nhất thế giới, có chiều dài lên tới 7 km và phải mất tới 30 phút để đi hết.
Địa điểm cảm giác mạnh mới nhất của Trung Quốc chính là cây cầu trong suốt ở công viên địa lý Hongyagu, huyện Bình Sơn, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 320 km về phía Nam. Đây là cây cầu trong suốt dài nhất thế giới.
Cây cầu dài 488 m, rộng 4 m, treo lơ lửng ở độ cao 218 m, nối liền hai vách đá thẳng đứng, bên dưới là thung lũng. Sàn cầu được lót bởi 1.077 tấm kính cường lực trong suốt dày 4 cm, tổng khối lượng kính nặng 70 tấn. Cây cầu mất một năm rưỡi để xây dựng.
Vì nằm ở trên cao, thường xuyên hứng những cơn gió lớn nên cầu được cố định bởi nhiều sợi dây cáp để tạo độ chắc chắn. khả năng chịu tải của cầu cao gấp 3,5 lần so với tiêu chuẩn áp dụng cho cầu kính do Trung Quốc đưa ra. Nó có thể chịu được trọng lượng của 2.000 người cùng lúc.
Cách trung tâm Bắc Kinh 100 km, địa điểm ngắm cảnh tại khu thắng cảnh Shilinxia là một lối đi hình tròn, nằm bên ngoài không trung 32,8 m, trên rìa một vách núi cao 396 m và được mệnh danh là “Chiếc đĩa bay”. Địa điểm ngắm cảnh này được xây dựng từ kính và hợp kim titan, vật liệu được sử dụng trong máy bay và tàu vũ trụ, có trọng tải 150 tấn, tương đương với khoảng 2.000 người.
Đứng trên đài quan sát này còn có thể trông thấy toàn cảnh con Đập Shinlin, một khu vừng núi rừng hùng vĩ ở Pinggu, cách trung tâm thủ đô Bắc Kinh khoảng 100 km.
Tạo cảm giác mạnh nhất cho du khách phải kể tới lối mòn bên vách núi Hoa Sơn, ở Thiểm Tây, Trung Quốc. Nó được ghép từ các ván gỗ nhỏ và dây xích gắn vào vách đá cách mặt đất hàng chục mét và chỉ rộng khoảng 0,3 m. Địa điểm này là một trong những đường đi bộ nguy hiểm nhất thế giới và có thể khiến những người ưa thích du lịch mạo hiểm cũng phải dè chừng. Theo số liệu thống kê không chính thức, mỗi năm có hàng trăm người chết ở đây.
Đường xe cáp dài nhất thế giới ở Tianmen, Hồ Nam. (Nguồn: Getty).
Được mệnh danh là đỉnh cao đạo giáo, bốn đỉnh chính của Hoa Sơn được bao bọc bởi những ngôi đền cổ, là địa điểm cầu nguyện và cúng bái từ ít nhất là thời Tần Thủy Hoàng vào những năm 200 trước Công nguyên. Ngày nay, khi cuộc sống đã hiện đại hơn rất nhiều, hầu hết khách viếng thăm đều mang theo gậy chụp ảnh để selfie với phong cảnh, thế nhưng những con đường mòn dẫn lên đỉnh núi thì dường như vẫn còn nguyên sơ như hàng ngàn năm trước.
Cho dù đi bộ hay đi cáp treo, hầu hết khách du lịch đều đi từ tầng thung lũng đến đỉnh núi phía bắc. Từ đây – điểm thấp nhất trong số 4 đỉnh cao của Hoa Sơn – khách du lịch tiếp tục vượt qua những rặng núi nhấp nhô và ngắm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở các đỉnh phía Đông, Nam và Tây.
Ở độ cao 2.154m, Nam Phong (đỉnh phía Nam) là điểm cao nhất của Hoa Sơn, gây mê đắm với bức tranh bao quát toàn cảnh trải ra vô tận và những con đường mòn đầy mạo hiểm. Nhưng nổi tiếng hơn cả có lẽ là đỉnh phía Đông, nơi nhiều khách du lịch luôn tìm đến vào cuối ngày và nghỉ lại ban đêm để chờ bình minh lên, sau đó khám phá những phần còn lại của ngọn núi.
Ở Taihang, tỉnh Hà Bắc còn có một cây cầu trong suốt khiến cho ngay cả những người không sợ độ cao cũng phải dè chừng. Khu vực này bắt đầu gây sốt trong cộng đồng du lịch thế giới vào hồi năm ngoái, khi một đoạn video chiếu cảnh một hướng dẫn viên du lịch sợ đến nỗi không đi nổi khi phát hiện có một vết rạn trên lớp kính của cây cầu.
Thực ra, các mảnh kính vỡ đã được đội ngũ thiết kế cầu khéo léo đặt bên trong các lớp chịu lực cứng để tạo cho du khách cảm giác cây cầu đang bị nứt khi họ đang bước trên nó. Đây là nhân tố chính khiến cho nhiều người cảm thấy tính mạng họ bị đe dọa khi bước đi trên cây cầu đặt ở độ cao 1.180 m so với mực nước biển này.
Tại hẻm núi Hổ Khiêu Hiệp tuyệt đẹp ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, du khách sẽ có 2 lựa chọn để vượt qua nơi đây đó là băng qua một con đường mòn dài hoặc leo lên những bậc thang hiểm trở của “Sky Ladder” (Thang Trời). “Sky Ladder” ở đây gồm hàng loạt các bậc thang dựng đứng được gắn vào mặt vách đá và không có các thiết bị bảo hộ. Để có thể vượt qua con đường đặc biệt này, du khách cần trang bị một đôi giày chuyên dụng và luôn giữ tinh thần tỉnh táo để có thể lên tới độ cao gần 3.800 m của hẻm núi.