Hội Nhà báo Việt Nam vừa phải tiếp tục lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ việc liên tiếp phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí bị hành hung, truy sát trong thời gian qua.
Chỉ riêng trong 2 ngày (26, 27/1/2019) có tới 3 phóng viên của 3 cơ quan báo chí đã bị tấn công, đánh đập dã man ngay giữa “thanh thiên, bạch nhật”. Hành vi của các đối tượng cho thấy sự manh động, liều lĩnh, coi Trời bằng vung và đặc biệt thể hiện sự ngang nhiên thách thức pháp luật.
Cả khu đồi bị đào bới tan hoang để khai thác khoáng sản trái phép tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN).
Cụ thể, ngày 26/1, phóng viên Nguyễn Văn Tý (cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Tuyên Quang) và phóng viên Trần Đức Vinh (Văn phòng đại diện khu vực miền núi phía Bắc của Tạp chí Truyền thống và Phát triển) đã bị một số đối tượng truy sát khi đang tác nghiệp phản ánh tình trạng khai thác quặng trái phép tại thôn Tân Tiến, xã Lương Thiện (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Sau đó 1 ngày, sáng 27/1, phóng viên Hoàng Đình Chiểu (Đài Truyền hình Việt Nam tại tỉnh Kon Tum) cũng đã bị nhóm côn đồ tấn công phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ việc hành hung, truy sát hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Tuyên Quang, Kon Tum và Công an các địa phương yêu cầu chỉ đạo làm rõ những vụ việc nói trên, đưa các đối tượng có liên quan ra trừng trị trước pháp luật để răn đe, trấn áp những người đã, đang và sẽ có ý định hành hung nhà báo. Việc các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý các đối tượng không chỉ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn có tác dụng phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho nhà báo nói riêng và cho mọi công dân nói chung.
Đáng tiếc, hai vụ việc nói trên không phải là cá biệt hay điển hình, mà nó như giọt nước tràn ly, nâng mức báo động đỏ về nạn xâm hại tính mạng và tài sản của các phóng viên khi đang tác nghiệp hợp pháp theo luật định. Thời gian gần đây đã xảy ra khá nhiều vụ việc hành hung, đe dọa tính mạng, phá hủy phương tiện tác nghiệp của phóng viên, nhà báo. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nhà báo Việt Nam, trong năm 2018 đã có tới gần chục vụ các đối tượng côn đồ cản trở, phá hủy phương tiện làm việc, hành hung, bắt giữ trái pháp luật, thậm chí truy sát phóng viên, nhà báo.
Hầu hết các vụ tấn công nhà báo đều xuất phát từ việc các đối tượng muốn ngăn cản, dằn mặt các phóng viên khi đưa tin bài phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... Ngay trong vụ 2 phóng viên ở Tuyên Quang vừa bị truy sát cũng có nguyên nhân từ việc phản ánh thực trạng khai thác quặng trái phép, khiến một số doanh nghiệp có nguy cơ “mất miếng ăn” nên đã cho người dằn mặt. “Vụ việc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Tuyên Quang bị hành hung nghĩa là ngăn cản báo chí nói lên sự thật...” – Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.
Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các địa phương có liên quan chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh làm rõ những vụ việc đã nêu, trả lời Hội Nhà báo Việt Nam và trả lời công luận. Tất nhiên, các địa phương sẽ không nên có câu trả lời theo kiểu: Chúng tôi đã nắm được vụ việc và sẽ xác minh, chúng tôi đang tiến hành điều tra... Câu trả lời ở đây phải là ai, đơn vị nào đã vi phạm pháp luật còn cả gan thực hiện hành vi côn đồ tấn công, hành hung và truy sát nhà báo. Thậm chí là ai đứng đằng sau chống lưng, bảo kê để các đối tượng có thể coi thường, thách thức dư luận và pháp luật như vậy.
Theo quy định, nhà báo có quyền tác nghiệp ở bất cứ đâu mà luật pháp không cấm, phóng viên được pháp luật bảo hộ khi hoạt động tác nghiệp công khai, đúng luật. Thực chất thì hành vi tấn công, hành hung, thậm chí truy sát nhà báo có thể bị quy kết vào khá nhiều tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự, như: Chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, giết người... Vậy thì sao vẫn có nhiều đối tượng không biết sợ, vẫn cố tình có hành vi tấn công nhà báo? Đơn giản, bởi nếu họ bị báo chí phanh phui hành vi phạm luật sẽ bị xử lý mức nhẹ thì “mất miếng”, mức nặng thì ngồi tù dài dài.
Còn một lý do nữa để các đối tượng “tự tin” trong việc hành hung và truy sát nhà báo là do họ có được sự “hậu thuẫn” của ai đó, giữ vị trí nào đó đủ để “bao” cho họ vô tội khi sự việc bị lộ tẩy. Điều đó đã được thực tế chứng minh, bởi không có cá nhân, doanh nghiệp nào có thể ngang nhiên vi phạm pháp luật tại địa phương trong một thời gian dài mà không bị phát hiện có nghĩa cá nhân, tổ chức ấy đã được những người có chức vụ bảo kê, chống lưng.
Đó chính là lý do mà hiện không ít nhà báo cảm thấy bất an khi thực hiện những loạt bài điều tra, phanh phui những góc khuất, đưa ra công luận những hành vi vi phạm pháp luật, cũng như hành vi bảo kê, chống lưng của những người có chức vụ quyền hạn. Khi mà liên tiếp xảy ra các vụ hành hung phóng viên thì không chỉ có nhà báo cảm thấy lo lắng, mà mọi người dân cũng cảm thấy hoang mang với tình hình trật tự an toàn xã hội. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ráo riết vào cuộc, không chỉ để điều tra, làm rõ những vụ việc đã xảy ra, mà còn có các biện pháp phòng ngừa, răn đe để những vụ việc tương tự không tái diễn, lập lại kỷ cương phép nước, giữ gìn sự tôn nghiêm của pháp luật.