Thách thức quản lý nợ công

H.Hương 05/10/2015 07:05

Trong khi các tổ chức nghiên cứu kinh tế cho rằng nợ công đang ở ngưỡng 66,4% thì Bộ Tài chính khẳng định con số này không chính xác. Các chuyên gia cho rằng, với bối cảnh nợ công đang tiến sát đến ngưỡng, con số chỉ là một phần, kiểm soát nợ công và hướng đến vận hành nền kinh tế hiệu quả là điều quan trọng.

Thách thức quản lý nợ công

Quản lý nợ công vẫn sẽ là thách thức.

Nợ công 66,4% là chưa chính xác

Câu chuyện bắt đầu từ nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách Phát triển (Bộ KH&ĐT). Họ cho biết sau khi tính toán con số nợ công lên 66,4% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) vào cuối năm 2014. Và chính nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng ngưỡng nợ công phù hợp phải là 68% GDP thay vì 65% GDP như hiện nay.

Điều này đã gây ra nhiều ngỡ ngàng và tranh luận, bởi nếu đây là con số đúng thì nợ công đã vượt qua cả mức báo động. Tính đến thời điểm hiện tại, con số nợ công được Bộ Tài chính đưa ra là 59,6% - con số này được công bố vào ngày 18/5.

Đứng trước những câu hỏi do dư luận đặt ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, trả lời, con số liên quan tới nợ công năm 2014 mới được Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố 66,4% GDP là chưa chính xác.

Vị lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, do cách tính không đúng quy định, nhóm nghiên cứu Học viện Chính sách và Phát triển tính toán thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng vào nợ công. Đây là khoản chi phí không đúng với quy định của Luật Quản lý nợ công. Theo đúng quy định hiện tại, các khoản nợ công được tính toán chỉ bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Nói thêm về thẩm quyền công bố số liệu nợ công, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm báo cáo các thông tin này với Quốc hội, Chính phủ và công khai thông tin với các cấp các ngành. Trên thực tế, con số nợ công còn có thể giảm thấp hơn ở mức 59,6% do các khoản bảo lãnh của Chính phủ giảm.

Dù là con số nào đi chăng nữa, nợ công ở Việt Nam vẫn luôn là vấn đề đáng quan tâm ở cả thì hiện tại lẫn tương lai. Vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2016, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn.

Báo cáo vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra cũng đề cập nội dung việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016 để quản lý nợ công.

Công khai và minh bạch

Có nhiều góc nhìn về nợ công, như chuyên gia kinh tế TS Lưu Bích Hồ trao đổi với Đại Đoàn Kết: Có sai lệch ở số liệu là do cách tính. Luật Quản lý nợ công hiện nay vẫn còn những quy định chồng chéo các khoản nợ. Phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế.

Và điều này cũng được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thừa nhận trong cuộc họp với Ngân hàng Thế giới diễn ra vào ngày 21/9 vừa qua.

Khi đó ông Long nói, điều quan trọng là chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn quy định song Luật Quản lý nợ công vẫn tồn tại một số điểm, chẳng hạn như mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Để giải quyết các vấn đề này, ông Long cho rằng, cần hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị sử dụng nợ công.

Nhiều chuyên gia khẳng định, nợ công đang tiến đến sát ngưỡng mà nhu cầu cho phát triển đầu tư kinh tế ngày càng cao. Bên cạnh đó các khoản ưu đãi cũng giảm dần khi nền kinh tế hội nhập sâu, thì việc kiểm soát nợ công cần đặt lên hàng đầu. Công khai minh bạch về nợ công là điều kiện tốt để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay cho các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội.

TS Lưu Bích Hồ cho rằng cần xem lại cách sử dụng các khoản vay nợ. Lấy khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt với các hạn mức nợ công cũng cần được lưu ý.

Hiện nay, có 3 vấn đề cấp bách khi bàn về nợ công.Thứ nhất là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ; vay để trực tiếp trả nợ luôn. Thứ hai là cơ cấu nợ. Cụ thể là nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn rất ngắn, kỳ hạn ngắn thì áp lực trả nợ tăng nhanh. Tổng số nợ của Việt Nam không quá lớn nhưng tỷ trọng nợ ngắn hạn quá cao nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao. Thứ ba là năng lực trả nợ.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ lệ trả trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%; năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% trong khi theo quy định không được vượt quá 25%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức quản lý nợ công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO