Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay của nước ta tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% của cả năm 2023 là thách thức rất lớn.
Tăng trưởng GDP 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao, nhưng theo giới chuyên gia điều đó cũng không bất ngờ trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, nhiều quốc gia tăng trưởng thấp, kể cả tăng trưởng âm. Đáng chú ý, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt trên dưới 6,5% khi kết thúc năm 2023.
Theo TS Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, sự nỗ lực của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân trong 6 tháng qua là cơ sở cho mức tăng trưởng tốt hơn trong 2 quý còn lại của năm. Tiêu dùng trong nước, được thể hiện qua tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa tiêu dùng vẫn giữ được mức tăng khá, khoảng 6,5%. Với tốc độ này, tổng tiêu dùng trong nước trong năm nay có thể đạt 250 tỷ USD, sẽ đóng góp rất nhiều để bù đắp cho xuất khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính vẫn xuất siêu 12,25 tỷ USD.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh khó khăn chung, lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của nước ta với mức tăng 3,07%. Theo ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê nông lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) thì các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có nhiều nỗ lực duy trì mức ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, có tác động lan tỏa đến ngành công nghiệp cũng như đến toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên thách thức vẫn còn ở phía trước. 6 tháng đầu năm, cả nước có 75.900 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 707.500 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 509.900 lao động; giảm 0,5% về số DN, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn 60.200, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Bình quân 1 tháng có 16.700 DN rút khỏi thị trường.
“Chúng tôi sẽ kết nối với Tổng cục Hải quan để có phân tích thêm về tình hình xuất nhập khẩu và làm rõ thêm chúng ta phải chuẩn bị kịch bản như thế nào trong bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm. Để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay thì những tháng cuối năm sẽ phải tăng từ 7-9%. Đây sẽ là thách thức rất lớn” - bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.