Thói quen sử dụng tiền mặt cộng với tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới và cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chính là những rào cản của tiến trình thanh toán không tiền mặt.
Hội thảo “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” diễn ra sáng 4/12, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chỉ ra những khó khăn mà thanh toán không dùng tiền mặt đang phải đối mặt đó là: Hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nhiều đơn vị chưa tích cực chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đến cuối năm 2020 ở mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.
Thực tế cho thấy, đã có những kết quả nhất định trong tiến trình thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đáng chú ý một bộ phận người tiêu dùng, nhất là lớp trẻ chiếm tỷ trọng khá cao đã thích nghi với xu thế thanh toán mới.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 94,2 triệu món, giá trị đạt gần 67,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 85,6% về số lượng và 138,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng thanh toán qua kênh internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán, tăng 353%. Đặc biệt, thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng gần 981% về số lượng, tăng gần 800% về giá trị. Tính trong cả 5 năm qua, thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ ngân hàng di động (Mobile Banking) thời gian qua là 200%. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Tuy nhiên cũng trong thời gian qua, một số rủi ro và gian lận với phương thức và thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt là sự xuất hiện tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử đối diện với bảo đảm an ninh, an toàn.
Liên quan đến vấn đề an toàn giao dịch, Đại tá Trương Sơn Lâm - Phó Cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an) cho biết, trong các vụ án đã triệt phá, có những đối tượng sở hữu trong tay hàng nghìn tài khoản cá nhân, hàng trăm thẻ ATM để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thủ đoạn, hành vi của những đối tượng này liên tục thay đổi, mang tính ẩn danh cao hoặc nặc danh, giả mạo danh nghĩa của những tổ chức, cá nhân có uy tín để lừa đảo...
Đại tá Trương Sơn Lâm khuyến cáo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ; hoàn thiện cơ chế pháp lý; chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng...
Chỉ mất 1 phút để đăng ký tài khoản trực tuyến
Cũng trong ngày 4/12, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Phạm Tiến Dũng chia sẻ thông tin, Thông tư về eKYC (xác thực điện tử) vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ký. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển.
Phương thức eKYC thực hiện định danh khách hàng bằng điện tử không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI)...
Với phương thức này, nếu như trước đây, khách hàng phải đến điểm giao dịch khi có nhu cầu mở tài khoản ngân hàng thì nay, chỉ mất 1 phút để đăng ký tài khoản trực tuyến qua ứng dụng của ngân hàng.