Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo quốc gia năm 2024 với chủ đề “Chính sách Tài chính công thích ứng biến đổi khí hậu” do Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước - Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) phối hợp Học viện Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài khóa, Trường Đại học Nha Trang tổ chức ngày 8/11, tại TPHCM
Theo nhận định của các chuyên gia, hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới. Dự báo, tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể chiếm 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đặt gánh nặng lớn lên cả tài chính công và tư.
Trước đó, một nghiên cứu chính sách công bố tháng 11/2023 của Ngân hàng Thế giới cảnh báo, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu về khả năng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên đến 3,5% GDP vào năm 2050.
Với hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu chính phủ các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang thúc đẩy các chương trình hành động ứng phó với sự thay đổi khó lường. Yêu cầu nguồn lực để đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả là rất cần thiết. Nhiều quốc gia đã chính thức thực thi chính sách tài khóa thích ứng với biến đổi khí hậu.
GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học kinh tế TPHCM cho rằng, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ, quản lý môi trường mà cần có sự điều chỉnh trong chính sách tài chính công để có thể huy động nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, không chỉ là công cụ huy động và phân bổ nguồn lực, chính sách công còn là nhân tố quan trọng điều tiết, hỗ trợ hoạt động kinh tế hướng đến phát triển bền vững.
Chia sẻ về tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu, TS. Lê Thị Thùy Vân - Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, mức chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm của Việt Nam không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước cùng một số chính sách khác. Tuy nhiên, mức này được đánh giá khá thấp.
Lý do, Việt Nam có thể cần thêm khoảng 368 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP) hoạt động thích ứng biến đổi khs hậu trong giai đoạn 2022 – 2040. Hiện theo thống kê, khu vực công chỉ đáp ứng được 130 tỷ USD, khu vực tư nhân là 184 tỷ, bên ngoài là 54 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, Việt Nam đang gặp thách thức khi huy động nguồn tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số quan điểm cho rằng, để thực thi chính sách tài khóa thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả đôi khi phải được yêu cầu thay đổi quy trình ngân sách, vai trò các bên có liên quan và năng lực phân tích, dự báo của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, chính sách này đòi hỏi phải có sự ủng hộ từ cộng đồng để gia tăng tối đa nguồn lực, thay đổi nhận thức cộng đồng góp phần giảm nhẹ hệ lụy cho môi trường từ hoạt động hàng ngày.