Nhiều hộ dân tại xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) phản ánh việc đất canh tác nông nghiệp của gia đình bất ngờ bị san ủi để phục vụ làm đường tỉnh lộ mà họ không hề hay biết về dự án này, cũng như kế hoạch, phương án đền bù GPMB ra sao.
Theo phản ánh của gần 20 hộ dân hiện đang sinh sống tại thôn Cổ Đẳng và thôn Quan Đình (Nam) xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, vào khoảng tháng 11 năm 2022 và đầu năm 2023, UBND tỉnh Thái Bình Thực hiện dự án làm đường chạy qua địa phận xã Đồng Tiến.
Tuy nhiên, những hộ dân có diện tích đất 03 (đất trồng lúa) mà con đường chạy qua này lại không được UBND xã Đồng Tiến và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tuyên truyền đầy đủ về tên dự án làm đường, các văn bản và giấy tờ liên quan đến việc làm con đường này, cũng như thỏa thuận đền bù ruộng với người dân theo quy định của Nhà nước. UBND xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ đã tự ý cho đơn vị thi công đưa phương tiện, máy xúc vào san lấp ruộng của một số hộ dân.
Ông Đặng Văn Quyền (63 tuổi, trú tại thôn Quan Đình Nam, xã Cổ Đẳng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Gia đình tôi có 906 m2 đất trồng lúa canh tác bền vững, khi mùa vụ năm 2022 vừa xong thì bất ngờ bị đơn vị thi công đưa máy xúc ra cuốc giữa ruộng mà không hề thông báo cho gia đình biết để làm gì, mặt bằng canh tác bị phá vỡ khiến nhà tôi không thể cấy lúa được”.
Còn theo ông Đặng Văn Ngân (63 tuổi, cũng trú tại thôn Quan Đình Nam), người dân chúng tôi không hề hay biết, cũng như không được mời họp bàn về công tác GPMB để làm tuyến đường nào chạy qua ruộng nhà mình cả. Chỉ đến khi được ông trưởng thôn đến đề nghị ký vào giấy xác nhận bàn giao đất lúa thì chúng tôi mới “té ngửa” ra là nhà mình sắp mất ruộng canh tác rồi, vì thế chúng tôi đề nghị chính quyền giải thích rõ cho người dân biết về công tác đền bù GPMB theo quy định pháp luật.
Tại cuộc trao đổi với phóng viên, nhiều hộ dân cho rằng, việc thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước và địa phương trong công tác xây dựng đường sá để thuận tiện cho việc giao thương, đi lại thì người dân rất ủng hộ.
Tuy nhiên, trong khi người dân vẫn mơ hồ về một dự án của tỉnh mang tên “Đường tỉnh 455” đi qua địa phương thì đến ngay như các văn bản, giấy tờ công khai về dự án, thành phần Ban giải phóng mặt bằng của dự án, rồi công tác đền bù GPMB theo quy định của Nhà nước ra sao mà không công khai trước nhân dân? Để rồi việc chính quyền xã Đồng Tiến yêu cầu người dân có ruộng phải ký vào văn bản tự nguyện hiến đất làm đường là không đảm bảo tính minh bạch, dân chủ và quyền được biết của người dân.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ xác nhận, địa phương đã nhận được phản ánh của người dân địa phương về công tác đền bù, GPMB dự án làm tuyến đường tỉnh 455 qua địa bàn xã Đồng Tiến.
Cũng theo ông Long “Thực hiện thông báo kết luận số 220 năm 2021 của Ban Thường vụ huyện ủy Quỳnh Phụ về công tác GPMB phục vụ thi công tuyến đường tỉnh 455 qua địa bàn xã Đồng Tiến và các địa phương khác. Tháng 6-7/2022, đơn vị đo đạc thuộc Sở TN&MT tỉnh đã đến từng nhà vận động người dân ra hội trường ký nhận giao đất, tuy nhiên các hộ dân vẫn không đồng thuận, chấp hành với phương án đền bù bằng cách đổi ruộng của địa phương. Xã Đồng Tiến có 136 hộ dân trong diện GPMB thì đã có 121 hộ đồng thuận hiến đất, còn 15 hộ còn lại chưa chấp hành”.
Khi được hỏi về việc địa phương có tiến hành họp bàn, thông báo tới người dân về quy hoạch và kế hoạch đền bù GPMB thực hiện dự án hay không? Ông Long thừa nhận, ngay địa phương cũng không tiến hành mời người dân họp bàn, phổ biến công tác GPMB mà chỉ thông tin tới các trưởng thôn. UBND huyện thông tin trên đài truyền thanh huyện.
“Thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân hiến đất để làm đường, tuyên truyền tới các hộ thuộc diện thu hồi GPMB nhận đền bù theo kế hoạch sử dụng quỹ đất 5% ở địa phương, nếu các hộ dân cố tình không chấp hành thì xã sẽ nắm bắt và báo cáo UBND huyện có phương án tiếp theo”, ông Long cho hay.