Trong khi người dân 2 xã ở tỉnh Thái Bình cho rằng hàng trăm ha lúa của họ bị chết do thủy nông địa phương mở nhầm cống khiến nước mặn từ biển vào đồng thì đại diện ngành nông nghiệp tỉnh phủ nhận, cho rằng “không có chuyện như vậy”.
Nông dân 2 xã “trắng tay” với 162 ha lúa
Những ngày qua, tại huyện Thái Thụy rộ lên thông tin một diện tích lúa rất lớn của nông dân 2 xã An Tân, Hồng Dũng bị chết, phát triển kém, đến thì nhưng không trổ bông. Theo người dân địa phương, hiện tượng này xuất hiện ngay từ khi mạ được cấy nhưng không lớn được, đỏ quạch rồi chết héo; khi được cấy lại vẫn bị chết. Như thường lệ, thời điểm đầu tháng 6 này là thời điểm thu hoạch lúa chiêm nhưng với nhiều hộ nông dân ở hai xã trên thì không có gì để thu, mất trắng. Có những hộ dân như ở thôn Tân Phương (xã An Tân) mất trắng cả mẫu ruộng, lâm cảnh khó khăn.
Đáng nói là, theo ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Chi bộ thôn Tân Phương và nhiều người dân địa phương đang lâm cảnh mất mùa, nguyên nhân họ mất mùa là do HTX dịch vụ nông nghiệp An Tân đã mở nhầm cống ngăn mặn, khiến nước mặn từ biển tràn vào đồng, khiến lúa và hoa màu của bà con bị bức tử; phản ánh sự việc tới các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Thái Bình, đề nghị làm rõ nguyên nhân.
Liên quan sự việc, theo văn bản báo cáo ngày 1/6 của UBND huyện Thái Thụy gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, vụ chiêm 2023 nông dân huyện này cấy tổng cộng 11.610 ha lúa và trồng 2.400 ha cây màu. Toàn bộ diện tích lúa xuân của huyện phát triển tương đối tốt, đang ở giai đoạn chắc xanh và chín. UBND huyện Thái Thụy cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại nông dân địa phương đang tập trung thu hoạch diện tích lúa xuân sớm; dự kiến đến hết ngày 5/6 toàn huyện thu hoạch được khoảng 1.000 ha; còn lại dự kiến đến ngày 15/6 sẽ thu hoạch hết diện tích theo kế hoạch.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Thái Thụy, từ phản ánh của nhân dân và qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn, tại xã An Tân có một số diện tích (khoảng 35 - 40 ha, thuộc cánh đồng chữ U) sau khi cấy đến khoảng thời gian trung tuần tháng 4 lúa sinh trưởng, phát triển kém, gần đây xuất hiện một số khóm lúa héo úa, bị chết chòm, chết khoảng.
Tại xã Hồng Dũng có một số diện tích ở khu vực chùa Văn Đông (25 ha); cánh đồng màu, đồng Vạn Lan thuộc thôn Đầm Sen (5ha) từ sau khi cấy đến khoảng đầu tháng 5 lúa sinh trưởng, phát triển kém, một số không trổ bông, trổ bông nhỏ, ngắn, tỷ lệ lép cao. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng ở 2 xã trên khoảng 162 ha, trong đó xã An Tân 135 ha, Hồng Dũng 27 ha).
"Nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa kém phát triển như trên là do thời tiết cực đoan, khắc nghiệt kết hợp với chất đất của diện tích bị ảnh hưởng là đất kìm hãm, chua mặn tiềm tàng nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn cao. Do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng phát triển của lúa", theo báo cáo của UBND huyện Thái Thụy.
Theo UBND huyện Thái Thụy, qua kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định thời tiết từ đầu vụ đến các thời điểm kiểm tra ít mưa (tổng lượng mưa từ đầu tháng 2 đến thời điểm kiểm tra là 95,1mm), chủ yếu mưa nhỏ, mưa phùn (cao nhất là ngày 29/4 với 33mm), ẩm độ không khí thấp, nhiệt độ cao, số giờ nắng ít và tại thời điểm kiểm tra trên mặt ruộng có biểu hiện thẩm thấu, bốc chua mặn cao.
Từ đó, UBND huyện Thái Thụy đánh giá “nguyên nhân chính khiến một số diện tích lúa kém phát triển như trên là do thời tiết cực đoan, khắc nghiệt kết hợp với chất đất của diện tích bị ảnh hưởng là đất kìm hãm, chua mặn tiềm tàng nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn cao. Do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng phát triển của lúa".
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Thái Bình: “Hoàn toàn không chính xác”
Cũng liên quan sự việc, ngày 2/6, thông tin với báo chí, ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho biết vào hôm trước Sở đã chỉ đạo Chi cục trồng trọt, Chi cục thủy lợi phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, UBND huyện Thái Thụy... tiến hành kiểm tra thực địa, đánh giá nguyên nhân, mức độ thiệt hại.
Cũng theo ông Đinh Vĩnh Thụy, trước đó, khi có ý kiến phản ánh sự việc của người dân, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy tiến hành kiểm tra, báo cáo sự việc, với yêu cầu đánh giá tổng quan, khách quan, khoa học để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thái Bình. Từ kết quả các cuộc kiểm tra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy khẳng định: “Thông tin lúa chết do nước mặn được lấy vào đồng hoàn toàn không chính xác”.
"Theo phương án thủy lợi của Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Thái Thụy, nguồn nước tưới được lấy từ cống Bùi Đình và cống Đoài 3 thuộc xã Thụy Ninh vào hệ thống kênh N2 và cấp chủ yếu cho phần lớn diện tích sản xuất của khu vực phía bắc huyện Thái Thụy. Quy trình lấy nước được cơ quan chuyên môn kiểm tra, thử mặn (≤ 0,6 ‰) và đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trước khi lấy nước. Thực hiện kế hoạch sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Thụy Tân, xã An Tân đã 2 lần thau chua, rửa mặn cho toàn bộ diện tích canh tác. Nên nói nguyên nhân lúa chết do thủy nông lấy nước mặn vào đồng là cảm tính, không chính xác. Nếu vậy thì cả vùng phía bắc huyện Thái Thụy sẽ bị ảnh hưởng chứ không thể có chuyện chỗ này lúa màu phát triển bình thường, chỗ kia bị chết", ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình).