Thái Nguyên: Có hay không việc làm giả hồ sơ hưởng trợ cấp?

Công Lý – Thành Nam 03/11/2020 07:30

Từ năm 2009 đến nay, dư luận ở P. Chùa Hang, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, không ngớt bàn tán về một trường hợp ở địa phương đã giả hồ sơ để hưởng trợ cấp ưu đãi người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH).  

Theo đó, tại Quyết định phục viên số 147, ngày 15/1/1980, ghi tên ông Đặng Đình Hồng, do thiếu tá Nguyễn Văn Hinh, thủ trưởng Phòng Tham mưu F10, QĐ3 ký, có ghi thời gian nhập ngũ: Ngày 22/5/1972; cấp bậc: Thượng sỹ; chức vụ: B phó; đơn vị: D16 – F10 – QĐ3. Thời gian công tác liên tục: 8 năm 6 tháng…

Thế nhưng, trong “Bản khai của người HĐKC bị nhiễm CĐHH, do quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam” của ông Hồng lại ghi: “Nhập ngũ ngày 22/5/1970…Thời gian ở chiến trường từ tháng 5/1971 đến tháng 10/1980”.

So với những thông tin được ghi trong bản khai so với quyết định phục viên thì thời gian nhập ngũ của ông Hồng vênh đến 2 năm. Đối chiếu với cuốn sách Sư đoàn 10 (Đoàn Đắk Tô) QĐ3 – Nhà XBQĐ, Hà Nội 1987, tại dòng 24, 25 trang 217, ghi: “Sáng 20/7/1979, sư đoàn 10 bắt đầu cuộc hành quân về nước. Ngay từ mờ sáng, hàng vạn người dân Căm pu chia đã đứng kín hai bên đường 6 lưu luyến tiễn đưa”.

Còn theo ông Hồng, tháng 10/1980… vẫn ở chiến trường. Để làm rõ băn khoăn này, chúng tôi đã tìm gặp một số CCB, nguyên là cán bộ, chiến sỹ, từng chiến đấu, công tác ở D16 từ năm 1972 đến năm 1981, hiện cư trú ở hai xã, phường Cao Ngạn, Chùa Hang, TP Thái Nguyên, họ đều khẳng định: “Ngày 27/7/1979, toàn bộ D16-F10-QĐ3 đã có mặt tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên”.

Chưa hết, tìm hiểu về “Sơ yếu lý lịch” (kèm đơn xin gia nhập Hội CCB Việt Nam, ngày 1/1/2002) của ông Hồng thì thời gian nhập ngũ ông Hồng lại ghi ngày 5/5/1970; xuất ngũ ngày 31/10/1977; chuyển ngành ngày 11/10/1983 – Cơ quan Xây dựng số 10, tỉnh Hà Tuyên; cấp bậc: Thượng sỹ; chức vụ: A trưởng; đơn vị: C2, tiểu đoàn 25, Quân đoàn 3. Chiến trường đã qua từ tháng 10/1972 đến năm 1977 ở Tây Nguyên, Campuchia. Năm 1990 nghỉ chế độ”… Những thông tin này so với “Quyết định phục viên ” và “Bản khai...” của ông Hồng rất mâu thuẫn về thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, chức vụ...

Đặc biệt tên đơn vị, ông Hồng ghi trong “Bản khai…” là C11, E136, Bộ Tư lệnh thông tin và “Sơ yếu lý lịch” là C2, tiểu đoàn 25, Quân đoàn 3, chứ không phải là D16-F10-QĐ3” như trong “Quyết định phục viên”. Hơn nữa, tiểu đoàn 25 là đơn vị ô tô vận tải thuộc biên chế của Sư đoàn 10, chứ không thuộc biên chế đơn vị độc lập của Quân đoàn 3. Điều nực cười, trong “Sơ yếu lý lịch” của ông Hồng, không chỉ ghi năm nhập ngũ, xuất ngũ chênh lệch từ 2 đến 3 năm so với “Quyết định phục viên” mà 6 năm sau (1977 - 1983) kể từ khi xuất ngũ, ông Hồng...lại ở Cơ quan Xây dựng số 10, tỉnh Hà Tuyên (?), vẫn ghi...chuyển ngành.

Để có thêm thông tin đa chiều về trường hợp hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người HĐKC bị nhiễm CĐHH này, chúng tôi gặp thiếu tá Nông Xuân Bộ, nguyên cán bộ chỉ huy D16 (tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly), F10 – QĐ3 (giai đoạn 1972 - 1981). Ông Bộ hiện nghỉ hưu, trú tại xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên.

Sau khi được xem những giấy tờ có liên quan đến ông Hồng, ông Bộ khẳng định: “Từ năm 1975 đến 1981, D16 – F10 – QĐ3 chỉ tiếp nhận bổ sung một số chiến sỹ ở tỉnh Vĩnh Phúc (cũ), nhập ngũ năm 1975 và tỉnh Hà Bắc (cũ), nhập ngũ năm 1976. Ngoài ra, chưa một lần được tiếp nhận bổ sung cán bộ, chiến sỹ, trong đó có tên là Đặng Đình Hồng, thuộc C11, E136, Bộ Tư lệnh Thông tin”.

Minh chứng cho khẳng định của ông Bộ, chúng tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Văn Bính, nguyên chiến sỹ đơn vị D16, quê Vĩnh Phúc (cũ) nhập ngũ tháng 2 /1975, được bổ sung cho đơn vị này. Ngày 5/11/1980, ông Bính được phục viên theo Quyết định số 136. Năm 1997, ông Bính chuyển gia đình đến sinh sống tại tổ dân phố số 5, P. Chùa Hang, TP Thái Nguyên.

Ông Bính cho biết: “Với hơn 5 năm (2/1975 – 11/1980), là chiến sỹ D16-F10-QĐ3, sống công tác, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, chỉ thấy hai năm 1975 và 1976, đơn vị được tiếp nhận bổ sung quân số, quê hai tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Bắc (cũ). Chưa gặp mặt hoặc nghe tên Đặng Đình Hồng là chiến sỹ C11, E136, Bộ Tư lệnh Thông tin bổ sung cho D16”.

Hỏi về quan hệ xã hội giữa ông Bính với ông Hồng, ông Bính nhớ lại: Năm 2007, ông Hồng tìm đến nhà ông Bính, “hứa” sẽ làm chế độ da cam cho ông Bính. Với điều kiện, phải trao toàn bộ giấy tờ, trong đó có Quyết định phục viên của ông Bính cho ông Hồng. Tuy nhiên, đến nay...vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi hỏi xin bản sao Quyết định phục viên của ông Bính... Và, thật bất ngờ khi so sánh Quyết định phục viên của ông Hồng với Quyết định phục viên của ông Bính, thấy ngày, tháng, năm ký quyết định, cấp bậc, chức vụ, đơn vị giống nhau. Chỉ khác nét chữ và cách viết chữ. Nhưng vẫn do một chỉ huy đơn vị ký tên?

Ông Phạm Trọng Quý, CCB, nguyên chiến sỹ D7, E18, F325, QĐ2, từng chiến đấu bảo vệ Thành Cổ - Quảng Trị - mùa hè 1972, xuất ngũ năm 1976, hiện đang hưởng trợ cấp ưu đãi người HĐKC bị nhiễm CĐHH, trú tại tổ dân phố 1, P. Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho biết: “Quyết định phục viên” số 147, ngày 5/11/1980, ghi tên ông Đặng Đình Hồng là không đúng! Vì, từ năm 1977 đến 1978, cùng làm việc với ông Hồng ở xí nghiệp gỗ Tháng Tám, thuộc Ty Lâm nghiệp Bắc Thái (cũ)”. Ông Quý còn cho biết thêm: “Tháng 8/1975, ông Hồng đã làm việc ở xí nghiệp này rồi!”.

Rất mong cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Thái Nguyên xem xét làm rõ đúng, sai trường hợp hưởng ưu đãi Đặng Đình Hồng nhằm đảm bảo công bằng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Có hay không việc làm giả hồ sơ hưởng trợ cấp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO