Tiếng dân

Thái Nguyên: Người dân khổ vì trại lợn gây ô nhiễm ở đầu nguồn nước

Toán Nguyễn 07/08/2024 12:14

Một vùng quê yên bình ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị xáo trộn do trại lợn gây ô nhiễm môi trường. Vì lý do này mà những người dân thuần nông có cuộc sống gắn với trồng lúa, trồng chè, ao cá và chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Nhiều hộ dân phải bỏ hoang ruộng, vườn, chuồng trại

Trang trại lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư nuôi trồng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bình Mai (Công ty Bình Mai) được xây dựng tại xóm Cuốn Cờ, xã Khôi Kỳ và một phần bể xử lý nước thải nằm trên địa phận của xóm Hà Việt, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ.

Bắt đầu hoạt động vào năm 2021, trại lợn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân 2 xóm Hà Việt và La Giai của xã Mỹ Yên.

d988f531e37846261f69.jpg
Trang trại lợn của Công ty Bình Mai nằm ở đầu nguồn cung cấp nước sản xuất cho người dân 2 xóm Hà Việt và La Giai, xã Mỹ Yên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Làm việc với UBND xã Mỹ Yên, được biết việc trại lợn của Công ty Bình Mai nằm ở đầu nguồn nước cung cấp nước sản xuất, tưới tiêu cho 2 xóm Hà Việt và La Giai, nên khi xảy ra ô nhiễm môi trường thì cả một vùng phải gánh hậu quả. Thống kê có 18 hộ dân bị ảnh hưởng tới sản xuất, trong đó: 14 hộ dân với 80 sào ruộng, tổng năng suất hiện chỉ đạt hơn 50%, nhiều diện tích phải bỏ hoang; 4 hộ có ao với tổng diện tích trên 1ha, đã 3 năm nay không thể nuôi cá; hơn 5ha chè không có nước tưới...

Ông Nguyễn Đức Cường, ở xóm La Giai bức xúc nói: Trước đây khi chưa có trại lợn, chúng tôi phát triển kinh tế bằng trồng chè, chăn nuôi, nuôi cá... nhưng giờ ô nhiễm như vậy thì trồng, cấy và chăn nuôi không được. Nhiều người dân đã phải bỏ hoang đất đai, lên thành phố và về các khu công nghiệp làm thuê, để lại con nhỏ cho ông bà ở nhà chăm sóc. Chúng tôi đã viết đơn tập thể, gửi nhiều cấp, nhiều ngành để kêu cứu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

  • Ngày 5/10/2021, Công ty Bình Mai bị cơ quan chức năng lập biên bản đã có hành vi xả nước thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi lợn vượt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi ra môi trường.
  • Ngày 28/1/2022, Chánh Thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 08/QĐ-XPVPHC, buộc Công ty Bình Mai thực hiện khắc phục ô nhiễm môi trường.
  • Ngày 26/7/2023, UBND huyện Đại Từ có văn bản 1615/UBND-TNMT yêu cầu Công ty Bình Mai khắc phục sự cố môi trường.
  • Ngày 5/3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định xử phát vi phạm hành chính số 439/QĐ-XPVPHC với tổng số tiền phạt là 300 triệu đồng.
1.jpg
Người dân bị ảnh hưởng từ trại lợn của Công ty Bình Mai phản ánh với phóng viên.
Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân bị dồn vào đường cùng

Vợ chồng ông Phạm Xuân Thu (87 tuổi) và bà Trần Thị Phương (80 tuổi), sinh sống tại xóm Hà Việt từ năm 1977 tới nay. Gia đình này là những người gương mẫu, tích cực tham gia hoạt động xã hội và làm kinh tế giỏi tại địa phương. Nhưng cuộc sống yên bình của họ đã bị ảnh hưởng kể từ khi trại lợn hoạt động.

Năm 2021, nước thải ô nhiễm từ trại lợn tràn vào 2 ao cá rộng khoảng 3.500m2 nhà ông Thu, làm cá chết hết và đến giờ vẫn phải bỏ hoang; 2 mẫu chè (tương đương hơn 7.000m2) cũng không có nước tưới nên đã chết lụi hết và giờ phải trồng cây keo thay thế. Trước lúc nào cũng có mấy trăm con gà, vịt, nhưng do uống nước ô nhiễm nên bị bệnh chết hết.

054ff29cf2d5578b0ec4.jpg
Bà Phương kể về những nỗi ấm ức do trại lợn gây ra. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bà Phương ấm ức nói: Do để chất thải tràn vào nguồn nước tưới, nước ao, nên Công ty Bình Mai có ký hợp đồng thuê đất (ao) với gia đình, mỗi tháng trả 12,5 triệu đồng. Thời gian đầu họ trả đầy đủ, nhưng từ năm 2023 thì không trả nữa.

Đến nay trại lợn vẫn nợ gia đình bà Phương (Thu) số tiền lên đến 84 triệu đồng tiền thuê ao, bồi thường tiền cá. Gia đình cũng đã kiện lên Tòa án và đang chờ được xử án.

4f13449044d9e187b8c8.jpg
Ông Thu và bà Phương nói về vườn chè 7.000m2 giờ đã bị lụi, chết do nguồn nước tưới bị ô nhiễm, nay đã phải trồng cây khác thay thế. Ảnh: Toán Nguyễn.

Gia đình chị Đỗ Thanh Huyền là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nhất do ô nhiễm môi trường từ trại lợn của Công ty Bình Mai. Cụ thể: Hơn 7.500m2 đầm nuôi cá, 3 mẫu chè (tương đương gần 1,1ha) không có nguồn nước tưới; khu chuồng nuôi trâu, lợn và trước kia luôn duy trì hơn 300 con vịt... giờ đã bỏ hoang.

Chị Huyền cho biết: Tôi cùng với 7 hộ dân của xóm Hà Việt làm đơn tập thể gửi các cơ quan chức năng đã 3 năm nay, nhưng giờ vẫn chưa giải quyết xong. Tôi cũng đã khởi kiện Công ty Bình Mai ra Tòa án đòi số tiền 203 triệu đồng mà họ không trả bồi thường cho gia đình, nhưng đến nay chưa xử được do mấy lần thông báo đại diện Công ty Bình Mai vắng mặt.

Từ năm 2023 đến nay, Công ty Bình Mai không trả tiền bồi thường, tiền thuê đất, tiền hỗ trợ sản xuất và không thực hiện đúng cam kết với người dân. Điều này dẫn tới việc người dân 2 xóm Hà Việt và La Giai có đơn khiếu nại tập thể vượt cấp, đơn kiện trong thời gian qua.

4.jpg
Chị Đỗ Thanh Huyền đã khởi kiện Công ty Bình Mai ra Tòa án vì doanh nghiệp không đền bù thiệt hại cho gia đình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty Bình Mai là ông Trần Văn Khánh nói: Hiện công ty đang nạo vét ao, rửa ao cho người dân bị chất thải của công ty tràn vào. Đến nay đã thực hiện được xong 2 nhà là ông Phạm Xuân Thu và bà Vũ Thị Thanh, hiện đang nạo vét ở nhà thứ 3.

Tuy nhiên, khi được hỏi đến bao giờ Công ty Bình Mai sẽ trả tiền thuê, hỗ trợ sản xuất cho người dân theo đúng thỏa thuận, thì ông Khánh không trả lời câu hỏi, lấy lý do bận và phải làm việc khác...

Chính quyền địa phương có vào cuộc triệt để?

Ông Nguyễn Quang Khê – Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên khẳng định việc trại lợn của Công ty Bình Mai gây ô nhiễm môi trường xảy ra từ năm 2021, tức chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Từ cuối năm 2021 – 2023, doanh nghiệp có thực hiện việc hỗ trợ sản xuất, đền bù thiệt hại theo thỏa thuận với người dân, nhưng sau đó không thực hiện nữa.

Theo ông Khê, việc ô nhiễm đã ảnh hưởng tới việc sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế của bà con nhân dân 2 xóm Hà Việt và La Giai. Một số khu vực vẫn có thể dùng nước tưới cho cây chè (loại cây chủ lực tại địa phương), nhưng khi chế biến thành trà uống thì có mùi, chất lượng thấp. Từ năm 2023 đến nay, việc đơn thư khiếu nại, cũng như mất an ninh trật tự liên quan tới người dân địa phương và trại lợn diễn biến rất phức tạp.

Lãnh đạo UBND xã Mỹ Yên cho rằng, trại lợn ở sát với khu dân cư lại trên đầu nguồn nước nên việc khắc phục về môi trường là không khả thi, ảnh hưởng về lâu dài tới đời sống nhân dân địa phương. Phương án tốt nhất là dừng hoạt động chăn nuôi lợn, chuyển sang chăn nuôi khác thân thiện với môi trường hơn và không ảnh hưởng tới nguồn nước.

3.jpg
Việc nạo vét, hút nước mới đến ao thứ 3, thì ao thứ nhất (khoanh đỏ) đã chuyển thành màu đen do nước thải đã ngấm vào mạch nước nguồn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Trần Đăng Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho rằng, về lý thuyết, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi của Công ty Bình Mai là tuần hoàn, phân được thu gom và không có nước thải ra môi trường. Vừa qua UBND huyện đã chỉ đạo xã Mỹ Yên giám sát việc nạo vét khắc phục ảnh hưởng môi trường (dọn dẹp bùn ao, đầm) cho 3 hộ dân xóm Hà Việt (ông Phạm Xuân Thu, bà Vũ Thị Thanh và bà Đỗ Thanh Huyền).

Thông tin thêm với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Minh cho biết: Tôi đã trực tiếp kiểm tra việc nạo vét ao, đến cái thứ 3 thì cái thứ nhất lại ngả màu đen, khẳng định là nước thải đã ngấm vào mạch nước ngầm. Các cơ quan chuyên môn tại địa phương tìm cách khắc phục, như giảm tổng đàn; Xử lý lại các bể chứa, bể lắng.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Đại Từ không thông tin về vấn đề trại lợn ô nhiễm môi trường trong nhiều năm nhưng vì sao vẫn không bị đình chỉ hoạt động; cũng như không phản hồi việc trại lợn nằm ở đầu nguồn nước, không đảm bảo khoảng cách với khu dân cư nhưng vẫn được chấp thuận về ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường)...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Người dân khổ vì trại lợn gây ô nhiễm ở đầu nguồn nước