Hàng loạt cánh rừng bạch đàn bị nhiễm bệnh tại nhiều xã của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khiến người trồng rừng có nguy cơ mất tiền tỷ.
Gần đây, những cánh rừng bạch đàn mới trồng từ 2 - 3 năm dọc đường liên xóm Ba Quà đến trung tâm xã Văn Hán bị úa vàng lá, thậm chí đã khô héo, chưa rõ nguyên nhân. Ông Triệu Văn Quảng - một người dân xóm này cho biết, rất có thể bạch đàn nhiễm bệnh lạ, các hộ có rừng đã cố gắng làm nhiều biện pháp để cứu cây như phát quang, hơ lửa đốt ký sinh trùng, nhưng hiệu quả không cao.
Được biết, nhiều hộ có tới hàng chục héc ta bạch đàn nhiễm bệnh, đang đối mặt nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng. Hộ ông Phạm Văn Long ở xóm Vân Long đã mời người có chuyên môn về kiểm tra, tìm nguyên nhân, và đã xác định có côn trùng gây hại. Ông Long đã chi 450 triệu đồng để phun toàn bộ rừng nhiễm bệnh, song tình hình chưa chuyển biến.
Ông Lường Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Bạch đàn là loại cây không được khuyến khích trồng ở địa phương, nhưng từ năm 2020 thì người dân đã trồng tự phát tại 14/14 xóm của xã, với tổng diện tích là hơn 120ha. Chỉ đến độ tuổi năm thứ 2 trở đi thì cây bạch đàn bắt đầu bị cùng lúc 2 loại côn trùng là bọ xít và nhện đỏ chích hút, cũng đang nghi ngờ bị cả nấm bệnh dẫn tới khô cành, lá và chết cây. Có thể nguyên nhân đến từ việc trồng quá dày, cây phát triển nhanh và đến khi thiếu chất, cây thiếu sức sống, đề kháng kém dẫn tới phát sinh sâu bệnh.
Sự việc xảy ra từ tháng 6/2023, cho đến nay đã có 50% tổng diện tích bạch đàn trên toàn xã Văn Hán, tương đương với khoảng 60ha bạch đàn nhiễm bệnh nặng; cơ bản 100% diện tích còn lại đã có dấu hiệu úa vàng lá và có những biểu hiện của thời kỳ đầu mắc bệnh.
“UBND xã Văn Hán đã báo cáo lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ và các cơ quan chuyên môn kiểm tra tình hình cây bạch đàn bị nhiễm bệnh. Xã cũng sẽ khuyến cáo bà con không trồng loại cây này vì làm bạc màu đất và hủy hoại các loại cây khác và không cấp được chứng chỉ rừng do không nằm trong danh mục theo quy định” - ông Hoan nói.
Không chỉ có xã Văn Hán, một số khu vực khác ở huyện Đồng Hỷ cũng bắt đầu có hiện tượng cây bạch đàn bị sâu bệnh. Trong đó, khu vực xóm Chí Son, xã Nam Hòa xuất hiện từ đầu tháng 9, cây bị héo lá dần và người dân còn đang hiểu nhầm là bị ô nhiễm môi trường. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã chỉ ra cây bạch đàn xuất hiện tình trạng sâu bệnh diễn ra phức tạp ở năm thứ 2 - 4, chủ yếu là bọ xít, nhện, nấm và số bệnh khác.
Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Chúng tôi nhận được báo cáo về việc xuất hiện sâu bệnh trên cây bạch đàn ở một số nơi, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và dự kiến sẽ có kết quả trong tháng 9/2023.
“Trong những năm qua, cây bạch đàn được người dân trồng tự phát nên phải chờ tới hết năm thì mới có số liệu chính xác về tổng diện tích đã trồng, nên cũng chưa thể xác định được diện tích bị nhiễm bệnh là bao nhiêu” - bà Loan thông tin.