Tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh Dự án cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối.
Dự án Cầu Quang Vinh 1, Cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên được HĐND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 4/11/2021 với tổng mức đầu tư 1.596,6 tỷ đồng, có thời gian thực hiện từ năm 2022, hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2025. Đây là dự án nhóm B, do HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thái Nguyên được giao làm chủ đầu tư.
Theo phê duyệt ban đầu quy mô dự án có tổng chiều dài cầu và đường 2.380 m. Mặt cắt ngang cầu rộng từ 26-32 m; mặt cắt ngang cầu dẫn rộng 16m. Đoạn tuyến thuộc phường Quang Vinh có chiều dài khoảng 1.909,7 m, bề rộng nền đường 27 m: Đoạn tuyến thuộc phường Đồng Bẩm có chiều dài khoảng 254 m, bề rộng nền đường 40,5 m.
Cùng với các công tác chuẩn bị mặt bằng, đến trung tuần tháng 8/2022, Thái Nguyên đã tổ chức xong thi tuyển kiến trúc công trình với việc lựa chọn phương án 1 của Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế Cầu Lớn - Hầm.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhận thấy Tuyến số 2 (cầu Quang Vinh 2 và đường giao thông) có đoạn tuyến khoảng 890 m đường giao thông đi trùng quy hoạch, tại khoảng lý trình Km0+785 m + Km1+675 m, phía phường Quang Vinh, thuộc quy hoạch Khu trung tâm số 2, TP Thái Nguyên, UBND thành phố có chủ trương giao Ban Quản lý dự án đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, để thực hiện Dự án khu đô thị kết hợp công viên cây xanh Green Park.
Theo đó, UBND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất đệ trình và HĐND tỉnh Thái Nguyên tháng 8/2022 đã phê duyệt điều chỉnh quy mô đầu tư Dự án cầu Quang Vinh và đường giao thông.
Ngày 9/10/2023 Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có ý kiến về dự án này, thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án thiết kế cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 qua sông Cầu liên quan đến đê điều, thoát lũ với giải pháp làm cầu dẫn vượt qua toàn bộ phạm vi bãi sông, lòng sông giữa hai tuyến đê tả, hữu Cầu (tuyến đê quy hoạch).
Tiếp thu ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh Dự án cầu Quang Vinh 1, cầu Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối để đảm bảo thoát lũ, an toàn đê điều.
Cụ thể là: Rà soát việc xác định vị trí đê tả, hữu Cầu phù hợp với phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 làm cơ sở xác định chiều dài cầu phù hợp (nhất là đối với cầu Quang Vinh 2). Trong đó lưu ý, theo quy hoạch phòng chống lũ chi tiết các tuyến sông có để tỉnh Thái Nguyên trước đây được duyệt tại Quyết định số 3034/QĐ-UBND ngày 14/11/2016 (là quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh), bề rộng không gian thoát lũ, chứa lũ tối thiểu tại trạm thủy văn Thái Nguyên là 217m, tại hạ lưu cầu Gia Bảy là 242m và tuyến đê hữu Cầu đi sát chi giới thoát lũ về phía đồng, đê tả Cầu cách chi giới thoát lũ về phía đồng khoảng 30 m.
Xác định cụ thể quy mô, mặt cắt thiết kế đê tả, hữu Cầu đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế theo quy hoạch được duyệt và tiêu chuẩn hiện hành; trong đó lưu ý việc thiết kế mặt cắt hệ dạng tường chắn kết hợp mố cầu Quang Vinh 1 như hồ sơ thiết kế là không phu hợp với tiêu chuẩn hiện hành (chỉ được bố trí tường chắn sóng trên đỉnh đệ đất với chiều cao tường chắn không quá 1,2 m) và việc lựa chọn cao trình đỉnh đê tại cầu Quang Vinh 2 là không đảm bảo chống lũ (đỉnh đê theo hồ sơ thiết kế ở cao trình +27,6 m còn thấp hơn mực nước lũ thiết kế tại cầu Gia Bảy phía hạ lưu ở cao trình +28,4 m).
Bố trí giao cắt giữa cầu và đê phải đảm bảo giao thông an toàn, liền mạch, thông suốt trên đê và có phương án kết nối giao thông giữa cầu với đê đảm bảo thuận tiện cho công tác kiểm tra, ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ (trường hợp giao cắt khác mức phải đảm bảo tĩnh không trên mặt đê tối thiểu 4,75 m hoặc bố trí làm đường tránh kết hợp hầm chui phía hạ lưu đê).
Kiểm tra, rà soát kỹ việc tính toán thủy văn, thủy lực, xác định và đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng cầu đến thoát lũ; an toàn để điều; ổn định lòng, bờ, bãi sông theo quy định tại Quyết định số 19/2021/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó kết quả tính toán, đánh giá phải được đơn vị tư vấn có năng lực về lĩnh vực đê điều, thủy lợi thẩm tra.
Ngoài ra: Bổ sung xác định phạm vi, giải pháp gia cố chống xói lở bờ sông khu vực xây dựng cầu để đảm bảo ổn định lâu dài.
Dòng sông Cầu chia TP Thái Nguyên thành 2 vùng khá rõ nét, phía Đông và phía Tây. Phía bên bờ Đông sông Cầu gồm các phường, xã: Đồng Bẩm, Chùa Hang, Cao Ngạn, Linh Sơn, Huống Thượng. Tuy nhiên, số lượng các cây cầu kết nối giao thông giữa các phường, xã nằm dọc theo sông Cầu của TP Thái Nguyên hiện còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều. Do đó, tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng việc đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông, trong đó có cầu Quang Vinh 1 và cầu Quang Vinh 2 tạo tiền đề thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị, đáp ứng mong muốn của nhân dân về diện mạo của một thành phố bên sông văn minh, hiện đại.