Kinh tế

Thái Nguyên: Vượt khó khăn, rào cản để phát triển kinh tế, tăng GRDP

H.S 20/11/2023 20:09

Mặc dù chỉ tiêu GRDP thấp hơn mục tiêu kế hoạch nhưng so với tình hình chung của cả nước đây là con số tích cực, là kết quả đáng ghi nhận cho quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, rào cản để phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên ngay từ những tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, cơ hội. Lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn giữ ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt làm thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục sụt giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng,… tác động đến xuất khẩu của nhiều quốc gia. Các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,… tiếp tục được nhiều quốc gia lựa chọn, đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các quốc gia trong việc thực hiện chính sách phát triển.

Ở trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ những diễn biến mới, yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại kéo dài. Quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; các biến động của kinh tế thế giới ảnh hưởng lớn đến tình hình trong nước, nhất là áp lực lạm phát, chính sách tiền tệ của các quốc gia, nhu cầu các thị trường xuất khẩu chủ chốt bị thu hẹp. Nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động xuất, nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn như vậy nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các Sở, ban, ngành địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên nhiều ngành, lĩnh vực. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Có thể nhận thấy sự nỗ nực trước những khó khắn mà tỉnh Thái Nguyên vượt lên qua việc duy trì được đà tăng trưởng dương đối với kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây chính là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

img-0437.jpg.jpg
Giá trị GRDP năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên ước tăng 5,56%.

Cụ thể như, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2023 ước tăng 5,56%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,03%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,03%, đóng góp 3,28 điểm phần trăm;khu vực dịch vụ tăng 8%, đóng góp 1,76 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấpsản phẩm tăng 4%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tiếp tục gia tăng; giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản. Trong đó, cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 58,3%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 31,8%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 113 triệu đồng (tương đương 4.723 USD/người/năm), bằng 98,2% kế hoạch, tăng 5,6% (tương đương tăng 6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2022.

Trong năm 2023, tỉnh Thái Nguyên thu ngân sách ước đạt 20.000 tỷ đồng, bằng 102,2% so với dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 100% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 17.230 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.700 tỷ đồng; thu từ ủng hộ, đóng góp ước đạt 70 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ. Trong đó công nghiệp địa phương đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2023 ‎(theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 15.893,1 tỷ đồng,tăng 4,04% so cùng kỳ, bằng 100,6% kế hoạch. Giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất nông nghiệp trồng trọt (giá hiện hành)ước đạt 128,7 triệu đồng/ha trở lên, bằng 103% kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Vượt khó khăn, rào cản để phát triển kinh tế, tăng GRDP