Địa đạo Kỳ Anh trước thuộc xã Kỳ Anh nay là xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, một vùng quê đất cát, quanh năm nắng gió, khí hậu khắc nghiệt. Trong thời kỳ chống quân xâm lược, dân và quân du kích xã Kỳ Anh đã trường kỳ kháng chiến, anh dũng sáng tạo bám trụ đánh địch giữ làng.
Cô trò trường tiểu học Thạch Tân thăm quan địa đạo Kỳ Anh.
Sáng tạo của quân và nhân dân xã Kỳ Anh được thể hiện bằng việc xây dựng nên địa đạo Kỳ Anh, một thành trì địa đạo trong lòng dân góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975. Năm 1997 địa đạo Kỳ Anh được công nhân di tích cấp quốc gia.
Cô Tổng phụ trách Đội đang giới thiệu về địa đạo cho các em.
Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài Địa đạo khoảng 32km, chiều rộng từ 0,5- 0,8 mét, chiều cao khoảng 0,8-1mét, chiều dài các đoạn Địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn. Tuy nhiên đầu năm 1966 Địa đạo mới hình thành, chưa nối tiếp liên hoàn. Khi địch càn vào làng do bị lộ miệng hầm tại vườn nhà ông Khanh nên địch kêu gọi đầu hàng nhưng cán bộ, dân quân chống trả ngoan cường, quyết liệt. Kẻ thù dã man bơm chất độc xuống hầm và 11 cán bộ, dân quân anh dũng hy sinh.
Địa đạo có rất nhiều cửa lên nhưng được bố chí thích hợp để tiếp tế và chiến đấu.
Cửa địa đạo nằm ngay cạnh đường làng.
Một cửa địa đạo được bố trí sau lưng ngôi đền thờ.
Địa đạo hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã, trong đó qui mô và sử dụng Địa đạo có hiệu quả nhất là ở thôn Thạch Tân và thôn Vĩnh Bình. Bởi nơi đây ngoài các yếu tố hỗ trợ tự nhiên như: Cây cối rậm rạp, kênh mương, đình, nhà dân liền kề, dưới tầng đất cát trắng còn có một lớp đất cóc (đá ong), khó bị sụt lún.
Đình Thạch Tân nơi có hầm cứu thương,
hầm chứa lương thuực và nhiều cửa địa đạo.
Không những là di tích lịch sử cấp quốc gia, một địa chỉ đỏ của du lịch thành phố Tam Kỳ, Địa đạo Kỳ Anh còn là điểm đến của học sinh các trường trong vùng. Hằng tuần hoặc vào những dịp ngoại khoá, nhiều trường đã cho các em học sinh đến đây tham quan và tìm hiểu về lịch sử hào hùng của địa phương.
Cô trò trường tiểu học Thạch Tân dâng hương tại đình Thạch Tân
tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Theo lời cô giáo Tổng phụ trách đội - trường tiểu học Thạch Tân, mỗi lần được nhà trường cho đến đây, các em rất hào hứng và có nhiều trao đổi sôi nổi về cách ông cha xưa đào địa đạo.
Cây cổ thụ nằm trong khu vực địa đạo. Trước đây lực lượng du kích
thường dùng cây làm đài quan sát tên cao.
Để có được một Kỳ Anh giàu mạnh trong tương lai gần, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của địa phương cần phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị truyền thống lịch sử của di tích này… để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Địa đạo Kỳ Anh.
Cụ Lê Thị Hiền là người còn giữ lại những câu vè,
đoạn bài chòi kể về quá trình đào địa đạo.
Cô trò trường tiểu học Thạch Tân nghe cụ Hiền hát bài chòi có nội dung
khuyên răn con cháu học hành chăm ngoan.
Cụ Lê Thị Hiên người trực tiếp cùng toàn thể quân dân xã Tâm Thăng đào
địa đạo Kỳ Anh đang kể chuyện cho các cháu thiếu nhi về lịch sử của địa đạo.