Hà Nội vừa vinh danh 88 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn. Sau cuộc vinh danh này, những chiếc thảm đỏ lại được trải ra để đón người tài. Tuy nhiên, theo thống kê 17 năm Hà Nội trải thảm đỏ thì có khoảng 10% thủ khoa đầu quân cho Hà Nội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thủ khoa là nguồn nhân lực chất lượng cao, cho nên thành phố sẵn sàng tuyển dụng và có nhiều chính sách “giữ chân” người tài, nếu họ có nhu cầu làm việc ở Hà Nội. Do vậy, tháng 12/2002, TP có quy định những đối tượng được tuyển thẳng vào làm việc tại các cơ quan hành chính không phải qua thi tuyển, trong đó có các thủ khoa.
Năm 2013, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô, với những chính sách đãi ngộ đặc biệt với những người tài. Cụ thể, các thủ khoa tốt nghiệp đại học xuất sắc trong nước hoặc tốt nghiệp đại học, cao học loại giỏi, loại xuất sắc ở nước ngoài… được ưu tiên tuyển dụng vào các cơ quan của thành phố, được hưởng mức lương bằng 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm được tuyển dụng, được ưu đãi khi thuê, mua nhà ở Hà Nội. Các thủ khoa sau hai năm công tác kể từ thời điểm có quyết định tuyển dụng, được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ…
Tuy nhiên, qua 17 năm tuyên dương các thủ khoa, mặc dù đã có 1.791 thủ khoa được vinh danh, nhưng thành phố mới chỉ tuyển dụng được 186 thủ khoa về làm việc, đạt tỷ lệ 10%. Chỉ có khoảng 10% thủ khoa về với Hà Nội dù thành phố này đã ban hành nhiều chính sách hút người giỏi, vì sao vậy?
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: Nguyên nhân các thủ khoa không đầu quân cho Hà Nội là do các thủ khoa không có mong muốn làm việc tại các cơ quan thành phố, một số em tốt nghiệp thuộc lực lượng vũ trang, quân đội được điều động theo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; ngoài ra một số em tiếp tục học cao học hoặc du học nước ngoài. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến nhiều thủ khoa không lựa chọn cơ quan nhà nước là bởi vì chính sách thu hút nhân tài còn rất hạn chế.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, ngoài hỗ trợ và ưu đãi thì mức lương khi được tuyển dụng là theo ngạch bậc quy định của địa phương, Nhà nước và dù được hỗ trợ 1 lần 20 tháng lương bằng mức lương cơ sở nhưng thực sự những chính sách này cũng chưa đủ sức thu hút và giữ chân người tài.
Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh chia sẻ, cá nhân bà chính là thủ khoa xuất sắc và được vinh danh năm 2006. Thời điểm đó, bà Minh cũng đứng trước hai lựa chọn về thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng và 10 triệu đồng/tháng nếu làm ở ngoài. Thu nhập thấp hơn nếu làm việc tại các cơ quan nhà nước cũng là một lý do khiến các bạn thủ khoa phải đặt ra những câu hỏi.
Theo bà Minh, ngay trong 88 thủ khoa được tuyên dương năm 2020, chỉ có 33 người bày tỏ muốn về công tác tại các cơ quan của nhà nước. Còn lại, 21 người đã có kế hoạch học tiếp thạc sĩ trong và ngoài nước, 17 người đã có học bổng đi học tiếp ở nước ngoài, một số làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp...
Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước... là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ mới. Do vậy, sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho các thủ khoa được cống hiến và đóng góp trí tuệ, tài năng cũng như thể hiện trách nhiệm của những người trẻ tuổi đối với Thủ đô.
“TP sẽ có thêm nhiều chủ trương cụ thể để thu hút và đào tạo các thủ khoa nói riêng và nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao nói chung trong thời gian tới để góp sức xây dựng Thủ đô”, ông Ngô Văn Quý nói.
Từ góc độ các cơ quan tham mưu, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang phối hợp rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, nghị quyết về khuyến khích, trọng dụng nhân tài để có đề xuất điều chỉnh.
“Chính phủ đã có nghị định quy định về tuyển dụng thủ khoa xuất sắc và nhà khoa học trẻ, nhưng chưa có thông tư hướng dẫn. Chúng tôi đang chờ bộ Nội vụ có hướng dẫn, sau đó sẽ có đề xuất UBND TP xây dựng cơ chế, chính sách thu hút được thủ khoa xuất sắc”, ông Hoa nói.
Hà Nội vẫn đang chờ các hướng dẫn của Bộ Nội vụ, điều đó có nghĩa các thủ khoa vẫn đang chờ một chính sách đột phá từ phía Đảng bộ, chính quyền Hà Nội bởi những ưu đãi đã ban hành và duy trì 17 năm nay, nhưng với các thủ khoa dường như vẫn chưa đủ để thu hút họ. Họ cần chế độ ưu đãi tốt hơn với thu nhập cao hơn để đảm bảo cuộc sống, cần môi trường làm việc tốt hơn để có thể cống hiến và có khả năng thăng tiến...