Nhiều ý kiến nhận định kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng khá ổn định, thậm chí nhanh so với mức độ khủng hoảng kinh tế chung của toàn thế giới. Nhiều ý kiến nhận định kinh tế Việt Nam thời gian qua tăng trưởng khá ổn định, thậm chí nhanh so với mức độ khủng hoảng kinh tế chung của toàn thế giới.
Ảnh minh họa.
Song sự tăng trưởng của Việt Nam thiếu sự bền vững vì tất cả đang dựa vào tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm nông nghiệp,… đặc biệt là lao động giá rẻ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi thế về lao động giá rẻ cũng là một yếu tố “ăn điểm” trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế nhưng không thể lấy nền tảng này cho chiến lược phát triển mang tính dài hơi.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lực lượng lao động trẻ, giá rẻ. Trung bình mỗi năm Việt Nam giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động. Dự báo, khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) lao động của Việt Nam sẽ chiếm 15% tổng lượng lao động của AEC.
Chính vì vậy lao động dồi dào, giá rẻ nên nhiều nhà đầu tư đổ bộ vào Việt Nam hưởng lợi từ lợi thế này. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý về thị trường lao động của Việt Nam hiện nay đa phần là lao động phổ thông, nhiều ngành thâm dụng lao động ở mức cao.
Đơn cử, có 87% lao động đang làm việc ở ngành dệt may, da giày và chủ yếu là những khâu đơn giản. Mặc dù chiếm tỷ lệ lao động khá cao trong khu vực song năng suất lao động của Việt Nam lại ở mức thấp, chỉ bằng 50% các nước thuộc khu vực ASEAN đây là kết quả khảo sát năng suất lao động do tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện năm 2014.
Cụ thể hơn, 15 người Việt Nam làm việc mới bằng 1 người Singapore, 5 người Việt Nam làm việc mới bằng 3 người Malaysia, 2 Thái Lan,…
Mới đây, tại hội nghị Việt Nam Summit 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cũng cho hay, hiện nông nghiệp Việt Nam đang sử dụng gần 70% lao động.
Đây chính là vấn đề cần xem xét lại, bởi vì tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp khá cao, trong khi Việt Nam liên tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sắp tới đây, nhiều hiệp định thương mại với các nước được ký kết chắc chắn sẽ có cuộc “so găng” trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Trường hợp Việt Nam vẫn duy trì tỷ lệ thâm dụng lao động cho các ngành như hiện nay chắc chắn khó có cơ hội tốt để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Hội nhập kinh tế tạo điều kiện tốt cho kinh tế tri thức toàn cầu phát triển và chắc chắn lao động giản đơn, năng suất thấp sẽ không có “chỗ đứng”.
Vấn đề đặt ra hiện nay, cần phải chuyển dịch lao động, nâng cao đào tạo lao động chuyên môn có tay nghề cao. Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc lại một số ngành theo hướng hiện đại bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động.