Tham gia bảo hiểm xã hội: Nên nhìn xa, trông rộng

Lê Bảo 26/10/2021 07:06

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh.

Đừng đánh mất cơ hội hưởng lương hưu

Làm việc tại UBND thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc 18 năm, khi nghỉ việc, ông Kim Văn Thăng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng lương hưu hàng tháng theo quy định. Thay vì nhận tiền BHXH 1 lần, ông Thăng quyết định tham gia BHXH tự nguyện, đóng nối vào thời gian tham gia bảo hiểm trước đó thêm 3 năm nữa cho đủ số năm theo quy định là 20 năm.

“Nhờ chính sách BHXH tự nguyện, hiện nay, đều đặn mỗi tháng, tôi được hưởng mức lương hưu gần 2 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định, giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí nên yên tâm mỗi khi đau ốm”- ông Thăng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người nhận BHXH một lần tăng cao là do thu nhập, đời sống của công nhân lao động còn quá khó khăn. NLĐ không có tích lũy nên khi phải nghỉ việc, hầu hết họ lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Để giảm tình trạng NLĐ nhận bảo hiểm xã hội một lần, quan trọng nhất là phải thu hẹp được khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động.

Tương tự, dù có thu nhập ổn định từ công việc buôn bán, song, chị Phạm Thị Lan ở huyện Quốc Oai, Hà Nội sớm nhận thức được những rủi ro bản thân có thể gặp phải khi về già, không còn khả năng lao động, chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai.

“Tôi tham gia BHXH tự nguyện vì cuộc sống nhiều biến cố không thể biết trước được điều gì, đâu ai muốn về già phải phụ thuộc vào con cháu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tham gia BHXH tự nguyện, sau này về già sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT là tôi yên tâm phần nào rồi…”- chị Lan chia sẻ.

Lợi ích việc tham gia BHXH rõ thế nhưng những năm gần đây, số người xin rút khỏi hệ thống BHXH vẫn gia tăng. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đặc biệt, riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói là số lao động xin hưởng BHXH 1 lần ngày càng trẻ hóa, tập trung vào đối tượng lao động yếu thế như phụ nữ, phụ nữ sinh con, phụ nữ mang thai…

Đề cập vấn đề này, tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH mới đây, đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp), phản ánh thực tế, nhiều trường hợp lao động nữ đến khi sinh con là chuyển sang hưởng BHXH một lần. “Người tham gia hưởng BHXH một lần có chiều hướng gia tăng rất đáng lo ngại. Rút BHXH một lần sẽ không đảm bảo được vấn đề an sinh cho người lao động khi về già. Do đó cần có cơ chế, chính sách rất cụ thể, hiệu quả để người lao động nâng cao hiểu biết cũng như điều kiện sống để họ không phải rút BHXH một lần” – bà Nga cho biết.

“Chìa khóa” để giữ người lao động

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng người hưởng BHXH có xu hướng gia tăng đang đặt ra những thách thức rất lớn cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và mục tiêu BHXH toàn dân. Việc NLĐ nhận BHXH 1 lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống BHXH, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất. Đây là một thực trạng đáng lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Cũng theo ông Quảng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ chọn hưởng BHXH một lần. Trong đó, phải kể đến cuộc sống của người lao động còn nhiều khó khăn; nhiều NLĐ chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH; hệ thống chính sách BHXH chưa linh hoạt và thực sự hấp dẫn; thủ tục hưởng khá dễ dàng…

“Để giữ NLĐ tham gia hệ thống chính sách BHXH, giải pháp quan trọng chính là hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BHXH đồng bộ, toàn diện, “trọn gói”, bởi chế độ BHXH 1 lần có liên quan chặt chẽ đến các chính sách khác của BHXH, nhất là chế độ hưu trí. Vì vậy, hệ thống BHXH phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”- ông Quảng đề xuất.

Bên cạnh đó theo ông Quảng, để thu hút NLĐ tham gia BHXH tự nguyện cần tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đồng thời, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của ngành BHXH Việt Nam, tính đến ngày 24/10, BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 4,2 triệu NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 353.856 NLĐ có quá trình bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền 10.856 tỷ đồng. Như vậy, con số trên so với thời điểm cách đây một tuần, số NLĐ nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã tăng thêm 3,2 triệu người.

Tuần vừa qua cũng là khoảng thời gian ghi nhận tiến độ giải quyết cho NLĐ nhận hỗ trợ nhanh nhất, kể từ thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham gia bảo hiểm xã hội: Nên nhìn xa, trông rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO