Thảm họa cháy rừng ở Maui

Hà Anh 17/08/2023 06:32

Các nhà chức trách đã xác nhận rằng, trận cháy rừng dữ dội trên đảo Maui của Hawaii (Mỹ) bắt đầu từ hôm 8/8 (giờ địa phương) đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và đây là trận cháy rừng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ trong hơn 100 năm qua.

Thị trấn Lahaina chỉ còn là một đống tro tàn sau trận cháy rừng lịch sử. Ảnh: AP.

Lựa chọn trong tuyệt vọng

Theo Thống đốc bang Hawaii Josh Green, ngọn lửa đã quét qua thị trấn Lahaina có tuổi đời hàng thế kỷ ở bờ biển phía Tây của đảo Maui, thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà và biến một vùng thiên đường nhiệt đới thành tro tàn.

Thống đốc Green cho biết, cho đến nay, ít nhất 2.200 tòa nhà đã bị hư hại hoặc phá hủy ở vùng Tây Maui. Trên khắp hòn đảo, thiệt hại ước tính lên tới gần 6 tỷ USD. Tuy nhiên, số người thiệt mạng được cho là sẽ còn tăng lên trong những ngày tới và những người đã may mắn chạy thoát khỏi đám cháy cũng sẽ khó vượt qua được cú sốc tâm lý sau tất cả những gì họ đã trải qua.

Đó là khoảng 3h30 chiều ngày 8/8, khói bắt đầu che khuất mặt trời. Những cơn gió gào thét và sức nóng bao trùm khi ngọn lửa “liếm láp” những tán cây phía chân trời. Mất điện cả ngày, vì vậy anh Mike Cicchino – một người dân sống ở Lahaina - dự định phải tìm mua máy phát điện. Nhưng khi anh rời khỏi con phố của mình, cảnh tượng trước mắt không khác gì một vùng chiến sự.

“Khi tôi rẽ vào con phố, tôi thấy một cảnh tượng rất hỗn loạn. Mọi người ôm con bỏ chạy, la hét trong nỗi sợ hãi” – anh Cicchino kể lại.

Anh Cicchino và những người hàng xóm bắt đầu cuộc chiến để giành lấy mạng sống của mình. Họ chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để đưa ra quyết định sống – chết trong cuộc chạy đua với ngọn lửa.

Không có còi báo động, không có ai bảo ai phải làm gì. Họ phải tự mình cùng gia đình và hàng xóm đưa ra lựa chọn ở lại hay bỏ chạy để thoát khỏi làn khói dày đặc. Khói che mọi tầm nhìn, ngọn lửa bao trùm từ mọi hướng, ô tô nổ tung, đường dây điện bị đổ, cây bật gốc và trời bắt đầu đổ mưa.

Mọi con đường đều bị tắc nghẽn khi tất cả đều cố gắng chạy khỏi Lahaina trong cơn hoảng loạn. Rất nhiều người bị dồn đến một bức tường chắn sóng ngăn cách thị trấn với đại dương, và Roxx – một cư dân tại Lahaina - nhận ra rằng, anh và những người hàng xóm đang phải đối mặt với một quyết định khủng khiếp: ở lại vùng đất đang cháy hoặc xuống nước.

“Bạn muốn bị bỏng hay nắm lấy cơ hội của mình và chết đuối?” - Roxx tự hỏi và quyết định nhảy qua tường. Hàng chục người khác, trong đó có cả vợ chồng anh Mike Cicchino cũng vậy. Anh Cicchino nhìn thấy nhiều người chết gục bên cạnh bức tường. Nhiều người già và người tàn tật không thể tự mình vượt qua bức tường, một số bị bỏng nặng và Cicchino đã cố gắng cứu được nhiều người nhất có thể. Trong 5 hoặc 6 giờ tiếp theo, họ tiếp tục phải di chuyển qua lại giữa biển và bờ để trốn chạy ngọn lửa.

Đại úy Aja Kirksy, Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát biển Honolulu cho biết, Cảnh sát biển Mỹ nhận được thông báo đầu tiên về đám cháy là khi trung tâm chỉ huy tìm kiếm và cứu hộ ở Honolulu phát hiện về những người ở dưới nước gần Lahaina lúc 5h45 chiều. Xe cứu hỏa cuối cùng đã đến và đưa họ ra ngoài, xuyên qua ngọn lửa. Nhưng những người sống sót bị ám ảnh bởi những gì họ phải chịu đựng.

Hỗ trợ đến đúng địa chỉ

Sự tàn phá do cháy rừng Maui ở Hawaii là một thảm họa và cần phải có sự giúp đỡ ngay lập tức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, các khoản quyên góp hỗ trợ có thể không hữu ích sau thảm họa tự nhiên như cháy rừng. Họ đề nghị chờ 1 hoặc 2 tuần nữa, cho đến khi các nhu cầu được đánh giá và các đường dây hỗ trợ đã được thiết lập. Tuy nhiên, chắc chắn một số người sẽ không thể chờ đợi. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, mọi người nên quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận ở Hawaii đã cung cấp dịch vụ phản hồi nhanh trong quá khứ.

Và đến ngày 11/8, Tổ chức Cộng đồng Hawaii đã huy động được hơn 17 triệu USD cho Quỹ Maui Strong. Quỹ này cho biết, ban đầu sẽ tập trung vào việc cung cấp thực phẩm, chỗ ở và hỗ trợ tài chính tức thời cho người dân.

Còn với trang web gọi vốn cộng đồng GoFundMe, tính đến chiều ngày 14/8 đã quyên góp được hơn 22 triệu USD cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ cháy rừng Maui, các khoản hỗ trợ đến từ hơn 175.000 người trên tất cả 50 tiểu bang của Mỹ và 100 quốc gia khác.

Tuy nhiên, vấn đề làm sao để đảm bảo các khoản quyên góp đến tay các nạn nhân cũng đang rất được quan tâm. Ông Regine Webster - Phó Chủ tịch Trung tâm từ thiện sau thảm họa - khuyến nghị, các nhà hảo tâm nên quyên góp cho các tổ chức có mối quan hệ sâu sắc với địa phương và hiểu biết về các cộng đồng bị ảnh hưởng.

“Nên chờ đợi 1 hoặc 2 tuần nữa để hiểu nhu cầu lớn nhất ở đâu. Sau đó, hãy hướng tới các tổ chức đang thực sự đáp ứng những nhu cầu đó, một lần nữa, ưu tiên các tổ chức có chuyên môn về thảm họa cụ thể và các tổ chức có tính chất địa phương” – ông Webster nói.

Giải thích cho lời khuyên này các chuyên gia cho biết, các khoản quyên góp có xu hướng giảm xuống sau khi sự chú ý ban đầu của giới truyền thông kết thúc dù nhiều nhu cầu của những người bị ảnh hưởng vẫn chưa được đáp ứng.

Chờ đợi một vài tuần cũng tạo điều kiện cho chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận tìm ra điều gì nên ưu tiên trước. Các khoản quyên góp sau này có thể được sử dụng để tài trợ cho các chương trình giải quyết các nhu cầu cấp bách.

Bên cạnh đó, Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez cũng đưa ra cảnh báo, các nhà tài trợ nên tránh xa những người hối thúc bạn quyên góp, yêu cầu bạn quyên góp bằng tiền mặt, thẻ quà tặng... Hãy tìm kiếm thông tin cụ thể về cách thức quyên góp có thể sử dụng.

Ước tính, quá trình dọn dẹp và phục hồi sau thảm họa cháy rừng ở Maui sẽ mất nhiều năm để hoàn thành và các mảnh vỡ ở đây có thể phải được đưa ra khỏi đảo để xử lý. Các nhà khoa học bày tỏ nhiều sự lo lắng và khuyên cư dân Maui nên liên hệ với các sở y tế công cộng để được tư vấn giúp họ khỏe mạnh và an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm họa cháy rừng ở Maui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO