Tinh hoa Việt

Thảm họa sạt lở đất - cái chết bất thình lình

PHAN QUANG VŨ 29/06/2024 06:58

3 giờ sáng ngày 24/5/2024 (giờ địa phương), núi Mungalo bất ngờ sạt lở vùi lấp 2.000 người dân làng Kaokalam (thị trấn Porgera, tỉnh Enga, Papua New Guinea). Ngôi làng lập tức bị xóa sổ.

anh-1.jpeg
Tìm kiếm người bị nạn trong vụ lở đất ngày 25/4/2024 ở làng Kaokalam (tỉnh Enga, Papua New Guinea). Nguồn: AFP.

Ngày 27/5, trong một bức thư gửi Liên hợp quốc, Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea cho rằng công cuộc tìm kiếm coi như đã chấm dứt vì khối lượng đất đá quá lớn, phương tiện tìm kiếm lại thô sơ, ngôi làng lại quá hẻo lánh. Đáng tiếc đây không phải là trận sạt lở đất hiếm hoi, khi mà thảm họa này còn xảy ra tại nhiều nơi.

Tìm kiếm trong vô vọng

“Trận lở đất phá hủy nhiều ngôi nhà, vườn cây ăn trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến cao tốc Porgera Mine là huyết mạch kinh tế đất nước" - AFP dẫn báo cáo của cơ quan ứng phó thảm họa của Papua New Guinea gửi Liên hợp quốc về hậu quả trận lở đất.

Trong khi đó, ông Serhan Aktoprak - Trưởng phái đoàn của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Papua New Guinea cho biết, tác động của vụ lở đất này lớn hơn nhiều so với đánh giá ban đầu (khoảng từ 300 đến 670 người thiệt mạng, con số ước tính vào ngày 27/5). Mô tả của ông Serhan, trong những ngày đầu, người dân địa phương đã phải dùng cuốc xẻng, tay không để đào tìm nạn nhân vì thiết bị hạng nặng chưa thể đến nơi do tuyến đường duy nhất tới khu vực bị vùi lấp. Khu vực thảm họa có nơi bị vùi lấp dưới hơn 8 mét đất đá.

"Trong vòng 3 ngày, từ khi thảm họa xảy ra, chúng tôi phải chạy đua với thời gian, trong khi không rõ có đủ nguồn lực để cứu giúp mọi người hay không" - ông Serhan nói.

Kể từ đầu năm 2024, Papua New Guinea đã trải qua nhiều trận động đất, lũ lụt và lở đất, khiến việc triển khai các dịch vụ khẩn cấp và cứu hộ càng khó khăn hơn. Riêng trong trận sạt lở mới nhất, cùng với khoảng 2.000 người được coi là đã thiệt mạng, Chính phủ Papua New Guinea cho biết khả năng tìm thấy những người sống sót trong đống vùi lấp là rất mong manh. Cho tới ngày 1/9, chính quyền vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp trên toàn vùng thảm họa và khu vực lân cận, với tổng dân số từ 4.500 đến 8.000 người, cho dù công cuộc tìm kiếm đã chấm dứt.

Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho biết, đây là một trong những vụ lở đất nghiêm trọng nhất trong những năm qua.

"Không ai có thể sống sót dưới đống đổ nát đến thời điểm này, vì vậy nhiệm vụ hiện giờ là tìm kiếm thi thể các nạn nhân trong vụ lở đất" - ông Sandis Tsaka, Chủ tịch Ủy ban thảm họa tỉnh Enga nói với hãng tin Reuters. Đáng tiếc là cho tới ngày 30/5, cũng chỉ 6 người thiệt mạng được các đội tìm kiếm phát hiện.

"Chúng tôi thậm chí còn không dám ngủ vào ban đêm. Chúng tôi sợ rằng những ngọn núi sẽ tiếp tục sạt lở và giết chết tất cả chúng tôi" - Frida Yeahkal, cư dân 20 tuổi lo sợ. Trong khi đó, Yuri Yapara - một trong những người lãnh đạo cộng đồng làng Kakalam nói: "Điều gì sẽ xảy ra với những người còn sống? Chúng tôi không biết sẽ đi đâu để kiếm thức ăn và nơi trú ẩn. Nhà cửa và vườn tược của chúng tôi đều đã bị phá hủy".

Nói với kênh truyền hình NBC, Giám đốc Tổ chức tình nguyện CARE International Papua New Guinea, ông Justine McMahon cho biết, họ đang cố gắng hết sức giúp đỡ cho những người sống gần khu vực bị ảnh hưởng của trận sạt lở. Nhưng công việc rất khó khăn vì việc vận chuyển hàng hóa liên tục bị gián đoạn và kéo dài, do đây là khu vực quá hẻo lánh, dân cư thưa thớt và phân tán, giao thông ra vào khu vực chỉ có một con đường nhỏ duy nhất.

“Chúng tôi tin rằng hậu quả không thể sớm chấm dứt. Người dân cần được trợ giúp rất nhiều để hồi sức. Tương lai của họ rất mù mịt. Sau 1 tuần vụ sạt lở, những người sống sót vẫn không dám trở lại nơi ngôi làng bị chôn vùi” - ông Justine nói.

anh-2.jpg
Tìm kiếm người thân bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại Papua New Guinea.

Nhiều trận sạt lở đất trong vòng 10 năm

Hàng năm, thế giới đã phải chứng kiến nhiều vụ sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, sạt lở đất ngày càng phức tạp với những hậu quả thảm khốc. Dưới đây sẽ là tổng hợp một số vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã từng xảy ra trên thế giới.

Năm 2014, vào ngày 13/5, một vụ tai nạn sập hầm mỏ tại Soma, thuộc tỉnh Manisa, Thổ Nhĩ Kỳ làm 301 người thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do sạt lở đất, và cũng là vụ tai nạn có số nạn nhân cao nhất trong lịch sử ngành khai thác mỏ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 20/8/2014, lở đất xảy ra tại tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) khiến 74 người thiệt mạng. Nguyên nhân của sạt lở đất là do mưa lớn đêm ngày 19, rạng sáng ngày 20/8. Nhiều ngôi nhà và khu chung cư ở quận Asaminami và Asakita ở Hiroshima bị vùi lấp khiến nhiều người mắc kẹt trong nhà.

Ngày 29/10, một trận lở đất đã tàn phá vùng Badulla (Sri Lanka), khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và khoảng 200 người mất tích. Nguyên nhân của vụ lở đất cũng đến từ mưa lớn kéo dài nhiều ngày.

Cũng trong năm 2014, tháng 3, vụ sạt lở đất tại Hiroshima (Nhật Bản) đã khiến ít nhất 39 người tử vong, cùng 52 người mất tích. Một phần quả đồi đã đổ sụp xuống bang Washington (Mỹ), khiến 43 người tử vong (cũng trong tháng 3). Tới tháng 8/2014, một vụ sạt lở khủng khiếp tại Afghanistan khiến 200 người tử vong.

Sang năm 2015. Ngày 21/11, một vụ lở đất xảy ra tại khu vực khai thác mỏ ngọc bích hẻo lánh ở Hpakant (bang miền Bắc Kachin của Myanmar) đã chôn vùi khoảng 80 hộ gia đình ở làng Sankhatku. Ít nhất 90 người thiệt mạng và nhiều người mất tích trong vụ này.

Cũng tại thị trấn Hpakant, vào ngày 25/12/2015, lở đất lại tiếp diễn khiến ít nhất 116 người thiệt mạng. Đây là vụ lở đất lớn thứ hai tại khu vực khai thác đá quý Hpakant của Myanmar trong vòng một tháng.

Năm 2016. Ngày 22/4, vụ lở đất lớn xảy ra tại bang Arunachal Pradesh (Ấn Độ) làm 16 công nhân xây dựng thiệt mạng. Ngày 23/4, một trận lở đất lớn xảy ra trên đường quốc lộ nối hai tỉnh Chocos và Risaralda ở miền Tây Colombia, làm 9 người thiệt mạng, đồng thời kéo cả một xe khách và 2 xe tải xuống vực.

Cũng trong tháng 4, ngày 27, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại một bãi rác ở thủ đô Guatemala City của Guatemala, làm 24 người thiệt mạng. Sang tháng 5, ngày 8, vụ lở đất chôn vùi một văn phòng và khu vực nhà tạm của công nhân tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện ở huyện Thái Ninh (thành phố Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) khiến 34 người thiệt mạng. Chỉ 1 ngày sau, ngày 9/5, có 13 người thiệt mạng, gồm 9 trẻ em và 4 người lớn, trong một vụ lở đất tại quận Bundibugyo (Tây Nam Uganda). Gần 10 ngày sau, ngày 18/5, thảm họa lở đất chôn vùi 2 ngôi làng tại huyện miền núi Kegalle (Sri Lanka) chôn vùi 17 người. Ngày 25/5, có 20 người thiệt mạng trong một vụ lở đất xảy ra tại làng Al-Lassbah (huyện miền núi thuộc tỉnh Taez, Yemen).

Cũng trong năm 2016 còn một số vụ sạt lở đất khác. Ngày 26/7, vụ lở đất do mưa lũ ở Nepal vùi lấp 28 người. Ngày 21/9, vụ lở đất ở Tây Java (Indonesia) làm 10 người chết.

Sang năm 2017, cũng tại Indonesia, huyện Bangli trên đảo Bali, ngày 10/2, một vụ lở đất khiến 12 người thiệt mạng. Chưa hết, tới ngày 1/4, thêm 11 người thiệt mạng trong trận lở đất do mưa lớn tại làng ở khu vực Ponorogo, phía Đông Java (Indonesia). Ngày 19 cũng trong tháng 4/2017, tại thành phố Manizales (Colombia), chỉ trong một đêm, mưa lớn xối xả đã gây ra lở đất, vùi chôn 8 người. Cuối tháng 4/2017, ngày 29, làng Ayu (vùng Osh, miền Nam Kyrgyzstan), 24 người chết, trong đó có 9 trẻ em trong một trận sạt lở đất.

Ngay ngày đầu năm mới 2019, ngày 1/1, có tới 41 người trong một ngôi làng đã mất tích sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm rung chuyển huyện Suka Bumi, tỉnh Tây Java, Indonesia. 5 này sau, ngày 6/1, một vụ sập hầm đào vàng ở tỉnh Badakhshan, khu vực đông bắc Afghanistan khiến ít nhất 30 người thiệt mạng. Ngày 28/7, xảy ra vụ sạt lở đất đá tại tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) khiến 29 người chết...

Các năm tiếp theo, từ 2020 đến 2023, cũng xuất hiện một số vụ sạt lở đất. Mà mới nhất chính là vụ sạt lở khủng khiếp chôn vùi 2.000 người dân làng Kaokalam (thị trấn Porgera, tỉnh Enga, Papua New Guinea), vào lúc 3 giờ sáng ngày 24/5/2024.

1(1).jpg
Hiện trường vụ sạt lở đất tại bang Manipur, Ấn Độ, ngày 30/6/2022.

Nơi nào có khả năng bị sạt lở đất?

Các vụ sạt lở có khả năng gây ra thảm họa rất lớn. Tuy nhiên, nó không được truyền thông chú ý bằng những thảm họa thiên nhiên khác như lũ lụt, động đất, núi lửa. Thực tế thì sạt lở đất được coi là thảm họa thiên nhiên đứng thứ 7 trong số các thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử loài người, đứng sau hạn hán, lũ lụt, bão, dịch bệnh, động đất và núi lửa phun trào, đều để lại những hậu quả rất tang thương.

Các vụ sạt lở đất có quy mô rất đa dạng, phụ thuộc vào tốc độ sạt lở, kích cỡ sạt lở và lượng nước chứa trong đó. Sức phá hoại của một vụ sạt lở đất cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó kích cỡ và quy mô sạt lở không quyết định tất cả.

Chẳng hạn như đợt sạt lở đất ở Nhật Bản tháng 3/2014, nguyên nhân đến từ một dòng chảy gồm nước hòa lẫn với đất đá, mảnh vụn được tích lũy từ sườn dốc phía thượng nguồn của một con sông. Mưa lớn đã khiến khu vực này sụp đổ, kết hợp cùng nước sông tạo thành một đợt sạt lở khủng khiếp, tràn qua các làng mạc trong thung lũng. Những ngôi làng được xây ở vùng cao hơn sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.

Sạt lở đất xảy ra thường xuyên và có độ phá hủy kinh khủng nhất ở các vùng núi dốc và thường là hệ quả sau khi mưa quá dài và nặng hạt, hoặc nước ngầm quá đầy chảy vào các kẽ nứt trong lòng đất, tạo ra một áp lực cực lớn cho nền đất, vượt lên trên điểm giới hạn, cộng thêm tác động của trọng lực sẽ đẩy đất trượt dần xuống theo độ dốc của địa hình. Vì thế, những khu vực có độ dốc địa hình lớn, thường xuyên chịu đựng mưa lũ hoặc động đất sẽ mang rủi ro gánh chịu thảm họa này cao hơn.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến sạt lở đất dễ xảy ra hơn là tác động của con người, mà cụ thể là việc chặt phá rừng đầu nguồn và hủy hoại các kênh đào dẫn nước tự nhiên. Theo nghiên cứu do các chuyên gia từ GSI (Cơ quan Khảo sát Địa chất Ấn Độ), những việc làm này sẽ tác động rất mạnh lên nền đất trên cùng, tạo ra những tổn hại không thể đảo ngược và khiến sạt lở dễ xảy ra hơn rất nhiều.

Theo GSI, rễ cây giúp cố định đất. Cây cối tại các địa hình dốc góp phần quan trọng hạn chế được hậu quả từ thiên tai trong vai trò như một rào chắn tự nhiên trước những cơn bão và có thể làm chậm dòng lũ trôi xuống. Vì thế rừng bị chặt phá sẽ là điều kiện để lũ lụt chảy mạnh hơn, dễ gây xói mòn và sạt lở đất.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (BGS), mỗi năm thế giới có rất nhiều người thiệt mạng và bị thương, nhà của bị phá hủy do sạt lở đất. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 25-50 người/năm. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ sạt lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt.

Định nghĩa của USGS, sạt lở đất là sự dịch chuyển khối lượng lớn vật chất như đất, đá hoặc mảnh vụn xuống một độ dốc. Khi trọng lực tác động lên một sườn dốc vượt quá lực cản của sườn dốc, sườn dốc sẽ bị trượt và xảy ra sạt lở. Hiện tượng này có thể xảy ra bất ngờ hoặc từ từ trong thời gian dài. Thuật ngữ "sạt lở" bao gồm 5 dạng dịch chuyển theo độ dốc: sụt lún, lật, trượt, lan rộng và chảy.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những khu vực dễ bị sạt lở nhất gồm: Nơi có địa hình dốc, bao gồm các khu vực thấp nhất của hẻm núi; Vùng đất từng hứng chịu cháy rừng; Vùng đất đã bị biến đổi do hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng hoặc xây dựng; Các con kênh dọc theo suối hoặc sông.

Làm gì khi sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở?

Không ai muốn sống tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất. Nhưng cũng không phải ai cũng có điều kiện chuyển tới nơi ở mới an toàn hơn. Vậy, làm gì để đề phòng và tránh tai nạn? Trước hết, cần nhận biết sạt lở đất có thể xảy ra khi nào.

Mưa lớn kéo dài (khoảng 10 ngày), hoặc bão lũ có thể gây ra sạt lở đất do nền đất bị yếu, nhão ra, thiếu sự kết dính. Như vậy, dấu hiệu đầu tiên của sạt lở đất là mưa nhiều ngày, mưa lớn. Từ đó xuất hiện vết nứt tường nhà, nền nhà, cửa sổ bị kẹt khó mở; cây cối nghiêng. Nếu nước suối đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Cùng đó là những dấu hiệu khác như mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất. Đáng chú ý nhất là xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá với âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra. Lúc đó cần nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Khi di dời cần theo nguyên tắc: đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau. Di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Nếu có thể thì mang theo một ít nhu yếu phẩm cần thiết như nước uống, thức ăn khô, quần áo và đèn pin, thuốc chữa bệnh…

Nhóm chuyên gia Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (BGS) cho rằng, về cơ bản cần bảo vệ tính mạng trước tiên: Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường. Không được qua lại gần quanh khu vực sạt lở đất. Không được đến gần suối khi có mưa lớn hoặc thấy nước suối đục dần.

Vẫn theo BGS, người dân sống trong vùng từng xảy ra sạt lở thì cần thường xuyên theo dõi tin tức thời tiết; đồng thời hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em, người già, người khuyết tật những biện pháp phòng tránh cần thiết; Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…

Về phía chính quyền, tất cả các cơ quan nghiên cứu địa chất và thiên tai trên thế giới đều đưa ra khuyến cáo chung. Đó là phải nhanh chóng trồng cây trên khu đất chịu ảnh hưởng vụ sạt lở để chống xói mòn. Phải có trách nhiệm tìm nơi định cư an toàn cho những người sống trong khu vực nhiều khả năng bị sạt lở đất trước khi tai họa ập đến.

Vào lúc 14 giờ 50 ngày 9/7/2020, đội cứu hộ đã đưa toàn bộ 9 người bị lở đất tại thôn Viên Sơn (huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) ra ngoài. Trong đó, một cụ bà 81 tuổi đã được cứu sống. Trước đó, ngày 20/12/2015 (tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã xảy ra vụ sạt lở đất. Đến ngày 23/12/2015, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 2 người còn sống sau hơn 60 giờ bị vùi lấp dưới đống đổ nát trong vụ sạt lở đất đó. 2 nạn nhân này thuộc 76 người được cho là mất tích. Vào chiều ngày 25/6/2017, trong một vụ sạt lở đất khác, lực lượng cứu hộ đã kéo được 15 thi thể từ đống đất đá do sạt lở đất đã chôn vùi 62 ngôi nhà ở làng Tân Ma (bên một con sông thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Trong số những người sống sót có một em bé 1 tháng tuổi.
Như vậy, trong những vụ lở đất ở Trung Quốc, “kỷ lục may mắn sống sót” đối với người cao tuổi thuộc về một cụ bà 81 tuổi (người tỉnh Hồ Bắc). Còn với người nhỏ tuổi là em bé 1 tháng tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thảm họa sạt lở đất - cái chết bất thình lình