Ngày 17/9, chính quyền Libya yêu cầu mở cuộc điều tra để xác định xem liệu có “sai sót của con người” trong thảm họa lũ lụt san phẳng một phần thành phố Derna hay không. “Bất kỳ ai liên quan đều sẽ phải chịu trách nhiệm" - ông Mohamed al-Menfi - Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya, nói. Trong khi đó Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết thiệt hại to lớn về con người tại Derna có thể tránh được nếu Libya có cơ quan thời tiết hoạt động hiệu quả.
Trận lũ lụt kinh hoàng do cơn bão Daniel gây ra làm vỡ 2 con đập trên thượng nguồn khiến dòng nước như "sóng thần cao 7m" quét qua Derna và các thị trấn lân cận, cuốn trôi nhiều người ra biển. Rất có thể có từ 18.000 đến 20.000 người đã chết trong thảm họa này.
Cũng tại Bắc Phi, ở Morocco hơn 8.000 người chết và bị thương trong trận động đất tồi tệ nhất trong 60 năm qua. Người ta đã đặt câu hỏi vì sao lại thương vong nhiều đến vậy.
Ông Richard Walker (Đại học Oxford, Anh), nhận định: Trận động đất xảy ra vào ban đêm (hơn 23 giờ theo giờ địa phương). Vào thời điểm này, mọi người đang ở nhà, họ ngủ trong những ngôi nhà chống chịu kém với động đất. Vì vậy, rất nhiều người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Tuy nhiên, nó còn do trách nhiệm của con người khi hầu như không có dự báo trước những biến động bất thường của khí hậu toàn cầu .
Báo cáo của WMO và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng mùa hè năm 2023 là mùa hè nóng nhất trong gần 120.000 năm. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi nhiệt độ tăng cao thì nhiều nơi trên Trái Đất lại bị bão lũ tàn phá. Từ Trung Quốc đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ; từ Brazil đến Caribe... các trận bão đã gây nhiều thiệt hại suốt từ tháng 6 đến giữa tháng 9 năm nay. Riêng tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), ngày 8/9, lượng mưa trong 12 tiếng đạt 465,5mm lập kỷ lục kể từ năm 1952. Cùng thời điểm, tại Brazil, một cơn bão nhiệt đới tấn công khiến 83 thành phố bị ảnh hưởng.
Nắng nóng, hạn hán, bão lũ, động đất đến thời điểm này đã khiến năm 2023 trở thành năm nhiều thiên tai bậc nhất trong lịch sử. Nhiều cảnh báo rằng các hình thức thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, nhưng giải pháp hạn chế lại quá ít. Theo Lloyd's Register - công ty dịch vụ hàng hải hàng đầu thế giới, trong số 3.800 cảng biển trên thế giới thì 1/3 nằm trong vùng dễ bị tổn thương khi mực nước biển đang dâng lên. Trong đó, trách nhiệm của con người là rất lớn.