Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong 10 người được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.
Đây là tin vui không chỉ với bác sĩ Cấp, với ngành Y mà với rất nhiều người khi mà cuộc chiến chống Covid-19 của chúng ta đã phải qua nhiều tháng ngày cam go, cho tới nay về cơ bản chúng ta đã thắng được đại dịch khủng khiếp đó.
Trong những tháng ngày gian lao, bác sĩ Cấp là người trực tiếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi thao tác trong môi trường ô nhiễm. Bác sĩ Cấp đã tổ chức khám, phân loại, sàng lọc cho hàng ngàn người nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 và trực tiếp điều trị cho hơn 30 bệnh nhân dương tính, trong đó gần 20 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ông đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế. Trong quá trình chống dịch, bác sĩ Cấp cũng tham gia giảng dạy tại 4 lớp tập huấn, xây dựng chương trình đào tạo khẩn cấp về thở máy và hỗ trợ hô hấp.
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 2, bác sĩ Cấp tham gia cùng các chuyên gia y tế đầu ngành vào tâm dịch Đà Nẵng.
Kể từ khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội (năm 1995), làm việc ở bệnh viện nào thì bác sĩ Cấp cũng đều hết lòng vì công việc, vì người bệnh.
Việc một bác sĩ được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” là niềm vui lớn vì thời gian qua, từ những bê bối trong ngành y bị phát giác, ai cũng thấy buồn. Không buồn sao được khi xã hội đều coi “lương y như từ mẫu”, gửi trọn sức khỏe kể cả mạng sống của mình vào tay thầy thuốc, thì lại có những kẻ “áo trắng tâm đen”.
Nhất là trong cuộc chiến chống Covid-19 thì niềm tin ấy lại càng đặt trọn vào những chiến sĩ áo trắng, đội ngũ thầy thuốc trên tuyến đầu dập dịch. Nhưng, cũng trong cuộc chiến ấy, lại có những kẻ được coi là thầy thuốc, là cán bộ ngành Y đã trục lợi thông qua việc mua bán máy móc xét nghiệm SARS-CoV-2. Đó là vụ việc rất đau lòng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 12/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 10 bị can về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với 10 bị can, trong đó có tới 6 bị can thuộc CDC Hà Nội. Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội được coi là “đầu vụ”.
Còn tại một bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hàng đầu của cả nước là Bệnh viện Bạch Mai thì Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với cựu giám đốc (ông Nguyễn Quốc Anh), cựu phó giám đốc, cựu kế toán trưởng để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cả hai vụ xảy ra tại CDC Hà Nội lẫn Bệnh viện Bạch Mai, đều do lãnh đạo các cơ sở này thực hiện hành vi gian dối khi bắt tay với tư nhân bên ngoài nâng khống giá thiết bị nhiều lần, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng, “ăn” cả ngân sách nhà nước lẫn trên sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Đó là hành vi không thể chấp nhận.
Nhưng cũng thật may những kẻ bất lương trong đội ngũ thầy thuốc chỉ là cá biệt và cũng đã sớm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Đội ngũ thầy thuốc của Việt Nam vẫn là niềm tin yêu của xã hội. Trong đội ngũ ấy có biết bao người thầm lặng cống hiến, thầm lặng cứu người. Từng ngày từng giờ họ phải giáp mặt với bệnh tật, với hiểm nguy rình rập nhưng họ không bỏ người bệnh. Đặc biệt là với những người không may mắc phải căn bệnh nan y, họ coi thầy thuốc là vị cứu tinh, là những người sinh ra họ lần thứ hai thì cũng đã nhận được rất nhiều sự ân cần từ đội ngũ “từ mẫu”.
Trở lại câu chuyện bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Công dân Thủ đô ưu tú, thêm một lần nữa tự hào về đội ngũ thầy thuốc Việt Nam. Hy vọng rằng những tấm gương cao đẹp đó sẽ được nhân rộng, để đội ngũ thầy thuốc đã cao đẹp càng cao đẹp hơn. Và nhất là với những ai đó trong đội ngũ có tà tâm thì cần nhìn kĩ vào những vụ án sắp xử để mà dừng bước trước vực thẳm; cũng như soi vào những tấm gương cao quý của đồng nghiệp để tự hoàn thiện mình, không phụ sự trông cậy của xã hội, xứng đáng với danh hiệu “lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc của nhân dân.