Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi tái hiện, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam. Đó là chia sẻ của ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ông Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh, nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất, điều này đã được Đảng ta khẳng định từ rất sớm. Đặc biệt trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, sự đa dạng về văn hóa cũng được khẳng định.
PV:Thưa ông, nhiều người gọi Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam là “ngôi nhà chung”. Ông có thể lý giải điều này?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa) được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Mong muốn đầu tư xây dựng nơi đây trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia, nơi tái hiện gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam. Với mục tiêu như vậy, hiện nay Làng Văn hóa đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng, không gian văn hóa, kiến trúc của 54 dân tộc để thực hiện chủ trương bảo tồn những giá trị văn hóa một cách thống nhất tại “ngôi nhà chung”.
Đối với các hoạt động hàng ngày của Làng Văn hóa chúng tôi đang cố gắng mời đồng bào các dân tộc về tổ chức, tái hiện văn hóa của dân tộc mình tại không gian đã được đầu tư. Hiện tại, Làng Văn hóa đang có 16 nhóm nghệ nhân đồng bào các dân tộc sinh sống và tổ chức tái hiện văn hóa truyền thống của dân tộc mình thường xuyên tại đây, tạo nên một bức tranh tổng thể với sắc màu văn hóa 54 dân tộc, góp phần bảo tồn, lan tỏa văn hóa truyền thống các dân tộc, là nơi để du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm.
Cùng với đó, hàng năm chúng tôi phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan tổ chức các sự kiện quy mô lớn, để đông đảo người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc có thể được trực tiếp theo dõi, tham gia. Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc - những chủ thể văn hóa có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi với nhau góp phần hiểu sâu hơn về văn hóa của các dân tộc anh em.
Cho đến nay đã hơn 10 năm đi vào hoạt động, bên cạnh những thuận lợi thì công tác bảo tồn còn gặp khó khăn gì, thưa ông?
- Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải đó là việc huy động nghệ nhân đồng bào các dân tộc về tổ chức các hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa. Bởi vì hiện nay chúng ta chưa có cơ chế, chính sách, chưa có hỗ trợ nào chính thức từ nguồn ngân sách Nhà nước cho đồng bào. Khi về Làng Văn hóa, họ thực hiện một nhiệm vụ rất cao cả đó là truyền tải giới thiệu văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên lại đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu của Làng Văn hóa, trong sự cân đối thu chi để hỗ trợ cho mọi người. Có thể sự hỗ trợ đó còn thấp so với mặt bằng chung của sinh hoạt tại địa phương nên việc huy động các nghệ nhân về đây gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết những khó khăn này chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và làm việc với UBND các tỉnh ký Quy chế phối hợp trong việc vận động bà con về tổ chức các hoạt động tại Làng Văn hóa. Hiện nay, đã có 11 tỉnh ký kết về Quy chế phối hợp này. Sau khi quy chế này được ký có thể thấy được những tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham mưu và lãnh đạo Bộ VHTTDL đã làm việc với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt kế hoạch đến năm 2030. Sau khi được phê duyệt thì chúng tôi sẽ dựa trên cơ sở đó cùng với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL xây dựng các thông tư về định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ cho đồng bào bằng một văn bản chính thức và khi đó bà con sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Nhà nước cho các hoạt động tại Làng Văn hóa.
Hiện nay, những hạ tầng cung cấp dịch vụ tại không gian của 54 dân tộc có những cơ sở được đầu tư. Nhưng đối với một đơn vị sự nghiệp công lập mà chúng ta không có được cơ chế liên doanh liên kết, không được sử dụng tài sản một cách hợp pháp, hợp lý thì không thể phát huy hết đầu tư công. Chúng tôi đang trình lãnh đạo Bộ VHTTDL đề án đưa tài sản công vào việc liên doanh, liên kết cho thuê. Nếu được phê duyệt thì ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ cho bà con, phục vụ các sự kiện thì có thể khai thác tối đa các hạ tầng đã được nhà nước đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Có những hoạt động như vậy không những phát huy tối đa đầu tư công mà chúng ta còn có thêm nguồn lực để quay trở lại đầu tư cho bà con, cho các hoạt động văn hóa.
Vậy kế hoạch phát triển như thế nào để phù hợp trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
- Trong giai đoạn tiếp theo, Làng Văn hóa sẽ căn cứ vào những chỉ đạo cụ thể của Bộ VHTTDL để xây dựng các kế hoạch hàng năm và tầm nhìn cho tương lai. Chúng tôi xác định khẩn trương hoàn thành các hạng mục, những công trình đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn đến hết năm 2025 sẽ kết thúc. Cùng với đó tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho Làng Văn hóa cơ chế đặc thù để chủ động trong việc triển khai các hoạt động, cũng như chủ động trong việc phối hợp với các địa phương xây dựng những hoạt động để đạt được mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.
Xu thế phát triển hiện nay là công nghệ số. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai dự án số hóa, trong đó sẽ số hóa những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng của đồng bào các dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở dữ liệu để du khách ở bất cứ nơi nào cũng có thể tìm hiểu, trải nghiệm nét đẹp văn hóa các dân tộc trên không gian số.
Trân trọng cảm ơn ông!