Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Quốc Trung 03/04/2023 18:42

Chiều ngày 3/4 tại Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”.

Quang cảnh hội thảo.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chủ trì hội thảo. Tham dự còn có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cùng lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, các thành viên Hội đồng Dân tộc...

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh dự hội thảo.

Thông tin tại hội thảo, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm chính, trực tiếp là của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, mặc dù Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được sửa đổi, nhưng kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh. Quy mô hợp tác xã chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Ngoài ra, số lượng các hợp tác xã được thành lập mới, số các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô chưa nhiều.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các hợp tác xã; một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa, hoặc việc cụ thể hóa khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo và chưa khả thi; nhận thức của một bộ phận cán bộ, chính quyền các cấp và người dân còn chưa đầy đủ về thành phần kinh tế tập thể này; cơ quan, bộ máy quản lý Nhà nước chưa có nhiều đổi mới theo hướng chuyên trách để kiến tạo, hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, dự kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật. Trong đó, Luật Đất đai và Luật Hợp tác xã là những luật có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, góp phần thay đổi mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết thêm, vừa qua Hội đồng dân tộc đã phối hợp cùng với các chuyên gia của Ngân hàng Châu Á tổ chức các chuyến khảo sát đại diện cho các vùng Yên Bái - vùng phía Bắc, Bạc Liêu – vùng Tây Nam bộ và Đắk Lắk - vùng Tây Nguyên để lắng nghe ý góp ý của các đồng chí lãnh đạo UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ban, ngành liên quan và các đối tượng trực tiếp chịu tác động và đã thu thập được nhiều ý kiến rất có giá trị trong việc thể chế 8 nhóm chính sách của Nghị quyết 20 trong dự thảo luật. Hôm nay, tiếp tục tổ chức hội thảo để tham vấn, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu các bộ, ngành và địa phương, để trên cơ sở đó chắt lọc lại nội dung góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong điều kiện hiện nay, Đảng, Nhà nước đang cố gắng tập trung thực hiện kinh tế tập thể, có biểu dương, có mô hình cụ thể và cần có một tổ chức đại diện cho phù hợp đó chính là Liên minh Hợp tác xã (HTX). Liên minh HTX cũng đã có các quy định chức năng nhiệm vụ, quy định rất rõ ràng. Trong dự thảo Luật Liên minh HTX đã quy định rõ vai trò của Liên minh HTX.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tại Điều 109, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), thì hệ thống Liên minh HTX hiện mới chỉ có 2 cấp, Trung ương và địa phương, rõ ràng đây là mô hình, hệ thống chưa hoàn chỉnh. Trong khi đó, HTX hiện nay hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp mà đã là nông nghiệp thì tập trung chủ yếu ở cấp xã, cấp huyện vì vậy rất cần định hướng rõ hơn mô hình, hệ thống này ở 2 cấp huyện và xã mới đảm bảo công tác quản lý Nhà nước. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, để xác định rõ hơn về vai trò quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh tế tập thể.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cũng đề nghị, tại Khoản 2, Điều 109 dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần ghi rõ điều lệ của Liên minh HTX Việt Nam do Chính phủ phê duyệt, điều lệ Liên minh HTX các địa phương do UBND các tỉnh phê duyệt. Để tránh trường hợp điều lệ các địa phương nhiều khi phê duyệt lại trái với điều lệ của tổ chức cấp trên, cần phải ràng buộc bằng câu "Điều lệ của Liên minh HTX cấp tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt nhưng phải tuân thủ điều lệ của Liên minh HTX Việt Nam" khi dự thảo, phê duyệt điều lệ sẽ đảm bảo tính hệ thống...

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, tập trung làm rõ những vấn đề khó khăn vướng mắc mà các hợp tác xã đang gặp phải tại địa phương, chỉ ra những bất cập, chưa phù hợp của Luật Hợp tác xã năm 2012 và kiến nghị sửa đổi cụ thể vào trong các điều khoản của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO