Tham vọng đột phá của ngành dệt may

K.Lê – M.Sang 21/11/2022 14:00

Dù gặp nhiều áp lực, khó khăn song theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo năm nay, mục tiêu xuất khẩu 42 - 43 tỷ USD là có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may tham vọng đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 45 - 47 tỷ USD.

Năm 2022, dù gặp nhiều áp lực nhưng dự báo ngành dệt may vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu 42 tỷ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, ngành dệt may đang chịu nhiều áp lực lớn. Đó là đơn hàng từ cuối năm nay tới quý I/2023 đang chịu áp lực giảm, tính chung giảm 25-27% do sức mua của toàn cầu giảm. Những đơn vị làm gia công chịu áp lực lớn hơn các doanh nghiệp (DN) làm FOB (tự chủ nguyên liệu) do FOB chủ động được thị trường, đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng...

“Hơn nữa với những đơn vị làm mặt hàng rẻ, giá thấp trước đây thì hầu như từ cuối quý II đến giờ này đều hụt đơn hàng ở mức cao. Khó khăn nữa là vấn đề lao động nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau” – ông Giang cho biết.

Đề cập về những áp lực trong những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Công ty May Đáp Cầu Lương Văn Thư cho hay, khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng, về quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III này. Ở thị trường chính như Mỹ, châu Âu, đơn hàng đã giảm tới 50%.

Mặc dù gặp không ít áp lực song theo báo cáo của Vitas, 10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của DN và nhiều điểm sáng. Xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. “Nếu như năm 2021, tỷ lệ DN dệt may bán hàng qua thương mại điện tử chỉ khoảng 7-8%, thì năm nay đã tăng lên 18-20%. Bên cạnh đó, kinh doanh qua môi trường trực tuyến cũng được các nhà nhập khẩu áp dụng triệt để” - ông Giang cho hay.

Theo ông Giang đây chính là nhân tố quan trọng để ngành dệt may tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm 2022, tăng 3,8% so với năm 2021...

Với đà tăng trưởng này sang năm 2023 ngành dệt may đưa ra tham vọng đột phá vượt qua thách thức khó khăn, đạt xuất khẩu khoảng 45 - 47 tỷ USD.

Theo Vitas cơ sở để đặt ra tham vọng này chính là động lực từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang thực thi. Quá trình này sẽ là cơ sở chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp DN đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Ngoài ra, dệt may việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước, là giải pháp để các DN chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất.

Một nhân tố quan trọng nữa để đặt kỳ vọng cho ngành dệt may năm 2023 theo ông Giang hiện nay theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023 - 2025 tới đây, dự kiến con số này được nâng lên mức 51 - 55%.

Giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Do vậy, để thực hiện thành công mục tiêu trong năm 2023, ông Giang cho biết, Hiệp hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối các DN trong nước cũng như với các DN FDI hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…

Trước hiện tượng lao động bị nghỉ việc trong thời gian gần đây, với ngành dệt may, lãnh đạo VITAS cho biết, hiện tượng người lao động bị nghỉ việc là có xảy ra nhưng tỉ trọng thấp, chỉ khoảng 5-7%. Hiện nay các DN dệt may trong nước đang bằng nhiều cách để duy trì hoạt động sản xuất, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tham vọng đột phá của ngành dệt may