Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN sớm bỏ room tín dụng để các tổ chức tín dụng có thể chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Tăng tính chủ động của ngân hàng
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, hiện NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng là một trong những công cụ điều hành tiền tệ đã tồn tại trong nhiều năm với mục tiêu kiểm soát dòng chảy vốn và giữ ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cần tăng trưởng và cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh mẽ, việc xem xét dỡ bỏ room tín dụng tiếp tục được đặt ra.
Giới chuyên gia phân tích một khi room tín dụng được dỡ bỏ, các ngân hàng sẽ có thể linh hoạt hơn trong việc phát triển các sản phẩm tín dụng và tiếp cận nhanh chóng hơn với các cơ hội kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng cạnh tranh và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp không ngừng gia tăng. Các ngân hàng sẽ không còn bị ràng buộc bởi các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cứng nhắc, từ đó có thể phân bổ tín dụng một cách hiệu quả hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.
Việc dỡ bỏ room tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ, trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện tại, nhiều DN vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn do hạn mức tín dụng bị giới hạn. Khi ngân hàng được tự do hơn trong việc cho vay, các DN sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, từ đó thúc đẩy quá trình đầu tư và mở rộng sản xuất, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Quang Huy (Trường Đại học Nguyễn Trãi) cho biết, room tín dụng đã được sử dụng như một công cụ quản lý quan trọng của NHNN để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng và kiểm soát lạm phát. Mỗi năm, NHNN phân bổ mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho từng ngân hàng dựa trên năng lực tài chính, khả năng quản trị rủi ro và điều kiện kinh tế vĩ mô. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng tín dụng tăng trưởng quá mức, đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.
Theo ông Huy, trong những năm qua, chính sách room tín dụng đã được sử dụng linh hoạt để ứng phó với các biến động kinh tế. Ví dụ, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 gây tác động nặng nề đến nền kinh tế, NHNN đã nới rộng room tín dụng cho một số ngân hàng có khả năng quản lý rủi ro tốt, từ đó thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, sản xuất và cơ sở hạ tầng. Song khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu tín dụng tăng cao, room tín dụng bắt đầu trở thành rào cản cho sự phát triển của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại phản ánh rằng, họ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vay vốn do đã gần chạm đến mức room tín dụng được phân bổ, dù nhu cầu tín dụng là hợp lý và có tính khả thi cao.
Tín dụng đã tăng 8,53%
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 27/9 đạt 8,53%, trong khi cùng kỳ năm ngoái mới đạt khoảng 6,24%. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Trước đó, tính đến 26/8, NHNN cho biết tốc độ tăng tín dụng đạt khoảng 6,63%. Như vậy trong vòng một tháng trở lại đây, dư nợ tín dụng tăng thêm 1,9%, tương đương có thêm gần 260.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Năm 2024 tín dụng toàn ngành định hướng tăng trưởng 14-15%. Dựa trên diễn biến thực tế, NHNN cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng ngân hàng mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của NHNN so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, việc bỏ room tín dụng cần được đánh giá thận trọng, với cái nhìn toàn diện về các tác động tích cực và rủi ro tiềm tàng. Bỏ room tín dụng có thể giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế, nhưng điều này cũng cần đi đôi với các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả để tránh những hệ lụy tiêu cực như trong quá khứ. NHNN cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình hợp lý để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mà còn bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính.
Việc áp dụng linh hoạt các công cụ điều tiết khác như tỷ lệ dự trữ, tỷ lệ an toàn vốn, điều chỉnh lãi suất và giám sát tín dụng là những biện pháp cần thiết để đảm bảo tín dụng tăng trưởng một cách bền vững và hiệu quả. Quan trọng hơn cả, quá trình bỏ room tín dụng nên được thực hiện một cách có kiểm soát, từng bước và được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh kinh tế, đảm bảo rằng các ngân hàng có thể chủ động nhưng không làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính.
Theo chuyên gia tài chính Lê Hoài Ân, bỏ room tín dụng có thể dẫn đến những hệ lụy. Khi không còn room tín dụng, tình trạng cung tiền tăng không kiểm soát có thể đẩy nền kinh tế vào những chu kỳ lạm phát, như đã từng xảy ra trước năm 2010. Khi đó, các ngân hàng sẽ dễ rơi vào tình trạng cho vay không chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và dẫn đến nợ xấu gia tăng.