Phương án thu phí xe cơ giới vào nội đô Hà Nội đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, từ đó có ý kiến khác nhau. Không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả và tính khả thi. Nhất là với mục đích hạn chế xe cơ giới vào nội thành để giải bài toán ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Đề xuất thu phí phương tiện xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao trong nội đô Hà Nội được đưa ra từ năm 2017, tại Nghị quyết số 04/2017 của HĐND thành phố về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố”.
Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn khu vực nội đô bị thu phí là những đâu? mức thu bao nhiêu, thu cả xe máy, ô tô hay chỉ ô tô? Thu theo cây số hay theo lượt? đã nộp phí rồi vậy thì khi đỗ xe có phải trả phí nữa không? nếu thu phí với xe cơ giới từ Vành đai 3 trở vào nhưng người ở bên ngoài Vành đai 3 cũng là quận thì có bị thu phí không?
Có thể thấy, đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô Hà Nội gặp phải nhiều ý kiến là do vẫn chưa làm rõ được các chi tiết, chưa có tính thuyết phục. Việc thu phí chỉ nên áp dụng khi hệ thống vận tải công cộng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại cho nhân dân. Đặc biệt việc thu phí cần tính toán kỹ, nếu chỉ thu phí một số tuyến thì vẫn không giảm được ùn tắc.
Chính quyền có lý lẽ của mình, người dân cũng có lý lẽ của họ. Vậy đâu mới là giải pháp về tính hiệu quả thực sự của dự án này? Những năm qua, dân số tăng nhanh, lượng ô tô, xe máy ở Hà Nội tăng mạnh. Năm 2020, dân số Hà Nội khoảng 8,3 triệu người; năm 2021 khoảng 8,34 triệu người và năm 2022 khoảng 8,4 triệu người. Tính đến hết quý 1 năm 2023, dân số của Thủ đô khoảng 8,5 triệu người, chiếm khoảng 8,4 - 8,5% dân số cả nước.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính đến tháng 4/2023 thành phố có trên 7.860.000 phương tiện các loại. Trong đó, ô tô trên 1.073.000; xe máy, mô tô các loại 6.602.000; chưa kể xe máy điện. Trung bình mỗi năm Hà Nội tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các loại.
Dân cư đông đúc tập trung vào các quận nội thành, xe cộ nhiều, người tham gia giao thông đông, hệ thống vận tải công cộng yếu, đường sá chật hẹp... khiến khu vực nội thành càng thêm chật chội. Tại thời điểm tháng 10/2023, thành phố có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành là 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.
Vẫn theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, giai đoạn từ năm 2012-2022, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế, số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm giảm từ 67 điểm năm 2013 xuống còn 35 điểm năm 2022.
Với nhu cầu đi lại thực tế cũng như tình hình giao thông phức tạp như hiện nay, rất có thể chính quyền chỉ thu được phí mà không giảm được lượng xe ô tô vào nội đô, trong khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng của của Hà Nội mới chỉ đáp ứng 17,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Như vậy, phương án thu phí xe cơ giới vào nội đô cần phải được tính toán kỹ, tránh tình trạng chỉ dừng ở mức chính sách mang tính tình thế, mới chỉ là “bôi thuốc” ngoài da, bệnh thì vẫn còn đó và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Trong trường hợp này, chính quyền cần lắng nghe ý kiến người dân, tham khảo ý kiến chuyên gia để đưa ra quyết định đúng đắn, áp dụng được lâu dài. Thực tế cho thấy, mọi quyết định một chiều, trong đó có cả những ý tưởng hình thành trong “phòng máy lạnh” rất thiếu thực tế, đã thất bại. Một chủ trương, chính sách ưu việt chỉ khi có sự đồng thuận của người dân, hướng đến lợi ích của số đông, lợi ích của xã hội và phù hợp với xu hướng phát triển.
Vì thế, việc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội dự kiến từ năm 2024 sẽ thực hiện thu phí vào nội đô đối với ôtô, mức phí khởi điểm là 55.000 đồng/lượt, thời gian áp dụng thu phí là 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày; cần phải được xem xét một cách thận trọng.
Theo tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) các thành phố trên thế giới triển khai thu phí ô tô vào nội đô thành công đều phải nhờ vào giao thông công cộng rất thuận tiện. Ông Tuấn cho rằng, thời điểm năm 2024 áp dụng thu phí là nóng vội, chưa phù hợp.