Tinh hoa Việt

Thận trọng yêu, ghét

TRẦN HỮU THĂNG 19/12/2023 14:21

Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Yêu là: 1/Có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng.

Thí dụ: Mẹ yêu con. Yêu nghề. Yêu đời. Trông thật đáng yêu. Yêu nên tốt, ghét nên xấu (tục ngữ). 2/Có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn chung sống và cùng nhau gắn bó cuộc đời.

Thí dụ: Yêu nhau. Người yêu. Yêu nhau trầu vỏ cũng say/ Ghét nhau cau đậu đầy khay chẳng màng (ca dao). “Những là trộm dấu thầm yêu chóc mòng” (Nguyễn Du)”. “Yêu chuộng là yêu và tỏ ra quý hơn những cái khác nói chung. Thí dụ: Yêu chuộng hòa bình”. “Yêu mến là có tình cảm thân thiết, thích gần gũi. Thí dụ: Được bạn bè yêu mến”.

“Ghét là có tình cảm khó chịu khi phải tiếp xúc với một đối tượng nào đó và thường thấy hài lòng khi đối tượng ấy gặp điều không hay. Thí dụ: Ghét kẻ xu nịnh. Trâu buộc ghét trâu ăn (tục ngữ). Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng (ca dao). “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” (Nguyễn Du)”. “Ghét bỏ là ghét tới mức không thèm để ý đến, không ngó ngàng đến. Thí dụ: Bị gia đình ghét bỏ. “Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” (Nguyễn Du).

Trong “Từ điển tâm lý” do NXB Thế giới ấn hành năm 2007, tác giả bậc thầy văn hóa Nguyễn Khắc Viện chỉ định nghĩa rất ngắn gọn như sau: “Yêu: Từ nghìn năm, thơ văn vạn quyển đã nói về tình yêu, khó mà thu gọn tình yêu trong một hai trang từ điển”.

Như thế, theo lời gợi ý đầy cảm xúc ấy, bài viết này chỉ xin khu trú lại thành một vấn đề rất nhỏ và rất cụ thể là: Thận trọng yêu, ghét. Thực ra, trong quan hệ xã hội giữa người với người có nhiều mối liên hệ, nhiều cảm xúc, nhiều cung bậc rất phức tạp. Vì vậy một số tác giả đã đề nghị chỉ nên xếp vắn tắt thành hai loại: tích cực và tiêu cực.

Nhóm tích cực gồm: Cảm xúc dương tính, lạc quan, yêu đời, yêu người, có cảm tình, thiện cảm, vui vẻ, hồn nhiên.

Nhóm tiêu cực gồm: Cảm xúc âm tính, bi quan, ghét đời, ghét người, ác cảm với ai đó, ít muốn gần gụi tiếp xúc, buồn bực, mưu mô, tính toán hơn thiệt.

Vậy thì cái chìa khóa để đi vào con đường tươi sáng là gì? Cần nhớ đến lời dạy của nhà đạo đức của mọi thời đại, đại văn hào Pháp - ông Victor Hugo (1802 - 1885) như sau: “Yêu thương tức là phải có một nửa phần tin tưởng”. Thật là chí lý. Con người sống lương thiện, đạo đức phải luôn bộc lộ được qua ý nghĩ, qua lời nói ra và qua hành động cụ thể để làm sao cho mọi người xung quanh tin tưởng được mình.

1.jpg
Nguồn: ITN.

Trở lại với đầu đề của bài viết là yêu, ghét cần thận trọng, tức là dù yêu hay được yêu, dù ghét hay bị ghét cũng đều cần suy nghĩ và hành động kỹ càng.

Nói về bị người khác ghét. Vì sao bị người ta ghét? Chính là do người ta không tin tưởng mình. Do mình có thói quen hứa suông, hẹn hão, nói một đằng, làm một nẻo. Đến lần sai hẹn, thất hứa thứ ba, thứ tư thì không còn tín nhiệm gì nữa và bắt đầu bị ghét.

Còn việc mình ghét người khác, không ưa người khác, không muốn đi lại giao tiếp với người khác thì cần rất thận trọng. Vì, thật khó nhọc mới quen được một người, mới gần gụi, thân mật được với một người. Sao không rộng lượng, tha thứ cho bạn và sửa chữa lẫn cho nhau để cố duy trì được tình bạn có phải là tốt hơn không. Nếu dễ dàng ghét bỏ, dễ dàng chia tay thì thật là uổng phí cho cái duyên gặp gỡ kết bạn với nhau trong đời.

Vậy hãy cố gắng đừng ghét bỏ ai và cũng tránh đừng để ai ghét bỏ mình. Hãy luôn nhận lỗi về mình và rộng lượng với đối tác là con đường sáng sủa minh bạch nhất.

Để mổ xẻ về yêu, ghét đúng mức, bậc thầy Nicolas Boileau (1636 - 1711) đã chỉ dẫn cho chúng ta rất chi tiết, rất cụ thể là: “Hãy yêu cái điều mà người ta khuyên anh, chứ không phải cái điều mà người ta khen anh”. Câu này của Boileau phải được coi là kim chỉ nam cho suốt cuộc đời của con người trưởng thành.

Phần lớn các tệ nạn ăn đút lót, tham nhũng, bắt nạt người yếu thế hơn mình đều xuất phát từ cái tôi tham lam, ích kỷ. Vì thế nếu có ai khuyên nhủ, dạy bảo cho ta mở mắt ra, giác ngộ ra thì phải biết ơn người ta chứ không nên nghe quen tai những lời khen ngợi, xu nịnh dễ bị thoái hóa con người. Giữa lời khuyên nhủ, phê bình, phê phán chân thành và lời tâng bốc, nịnh hót với động cơ xấu mà không phân biệt được sẽ là điều đáng tiếc nhất cho con người.

Một số tác giả phương Tây đã nêu ra một danh sách yêu, ghét đúng đắn để dạy trong các trường học như sau:

Yêu đúng: Phải biết yêu những người đã cho mình cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay, đó là các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, đó là ông bà, cha mẹ đã có công nuôi dưỡng ta, đó là các thầy, các cô giáo đã dạy ta, đó là các bạn bè, đồng nghiệp đã giúp đỡ ta tiến bộ hàng ngày.

Ghét đúng: Phải biết căm ghét cái sai trái, cái ác, cái tiêu cực, nạn tham nhũng, lợi ích nhóm đã làm hại đất nước, làm hại cộng đồng xã hội.

Danh sách yêu, ghét đúng vừa nêu trên có thể sử dụng, áp dụng cho mọi xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, lấy lợi ích của người dân làm trên hết.

Trẻ em từ khi bắt đầu học phổ thông cơ sở đã phải được dạy việc yêu, ghét đúng. Sau thành cái nếp suy nghĩ đúng đắn, cùng với thời gian học cao lên, lớn thêm lên, mỗi ngày đều được cuộc sống mà đại thi hào Goethe gọi là “cây đời mãi mãi xanh tươi” dạy bảo thêm giúp con người trở thành người trưởng thành.

Luận bàn về yêu, ghét, ý kiến của triết gia Roger de Bussy (1618 - 1693) sau đây cũng giúp con người bình thường thấu hiểu thêm vấn đề. Ông viết: “Khi người ta không có cái mà người ta yêu thích thì hãy nên yêu thích cái mà người ta có”.

Câu danh ngôn này đã được lấy làm đề thi Tú tài của nhiều trường học ở thế kỷ trước vì nó quá hay, quá đúng, quá thực tế. Có nhiều người giàu phải tự tử chết vì phá sản, vì nợ nần không trả được.

Lại có nhiều người có chức có quyền cuối đời sống trong tù tội. Chỉ có những người lương thiện, dù làm nghề nông vất vả quanh năm, dù phải làm công ăn lương, nhưng biết giới hạn cái ham muốn của mình, bằng lòng với cuộc sống lương thiện mình đang có, biết quý trọng cái mình có được do phấn đấu, do tiết kiệm mới chính là những người có cuộc đời hạnh phúc vững bền, tâm thái luôn bình an, cuộc sống luôn thảnh thơi, vui vẻ, lạc quan.

Về sự mất cảm tình, dẫn đến không thích tiếp xúc hoặc giao lưu với ai đó cũng cần có giới hạn nhất định. Tuyệt đối tránh những xúc động hay xúc cảm vượt ra khỏi sự kiểm soát của lý trí mà trở thành thù hận.

Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI, dưới ánh sáng của đạo lý và pháp luật, việc gì cũng phải tuân theo quy định của các cơ quan có trách nhiệm, không ai được phép tự ý xử lý các việc trái pháp luật. Triết gia danh tiếng George Eliot (1819 - 1880) đã mạnh mẽ lên án những xúc cảm thái quá dẫn đến thù hận qua câu danh ngôn để đời: “Sự thù hận giống như ngọn lửa, nó làm cháy rụi cả đến tro tàn”. Thật quá khủng khiếp, quá tàn nhẫn với những kết quả do thù hận gây nên, vì thế ai ai cũng phải tránh xa nó.

Một góc nhìn khác của những cảm xúc yêu, ghét âm tính, có hại cho tất cả mọi người, đó là sự ghen tỵ. Ghen tỵ vượt lên trên yêu, ghét thông thường, nó ám ảnh, nó bao trùm, nó ẩn nấp, nó thể hiện ở mọi nơi mọi lúc dưới nhiều dạng khác nhau nên rất khó phát hiện để phòng tránh.

Đại văn hào Pháp, ông Honoré de Balzac (1799 - 1850) đã phát hiện ra sự ghen tỵ ẩn nấp ở một nơi cực kỳ nguy hiểm qua câu danh ngôn: “Lòng ghen tỵ ẩn nấp ở dưới đáy quả tim của con người, giống như con rắn ẩn nấp trong hang của nó”. Chao ôi, quá nguy hiểm, quá độc ác vì có ai nhìn thấy đâu mà đề phòng cho được. Chỉ có một cách, đó là giáo dục, dạy bảo, hướng dẫn sao cho ai ai cũng phải tránh xa con rắn độc ghen tỵ để vươn lên làm con người lương thiện, nhân hậu, biết yêu thương chia sẻ với đồng loại.

Khép lại bài viết về “Thận trọng yêu, ghét”, nên nhớ mãi lời dạy ân cần của đại triết gia Voltaire (1694 - 1778): “Hãy yêu sự thật, nhưng phải biết tha thứ cho sự lầm lỗi”. Cao quý thay sự độ lượng, sự bao dung trong mọi xúc cảm yêu, ghét mà ta thường gặp hàng ngày.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thận trọng yêu, ghét