Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, liên tiếp các doanh nghiệp phải dừng hoạt động và giải thể.
Tính chung 10 tháng qua, cả nước có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4%.
Bên cạnh đó, còn có 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 148.900 doanh nghiệp, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Còn trong tháng 10/2020 số doanh nghiệp thành lập mới là 12.200, (tăng 18,4% so với tháng 9/2020) và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 5.400 (tăng 10,4% so với tháng 9). Nhìn vào con số này, chúng ta có quyền hy vọng về những tín hiệu khởi sắc ban đầu.
Thực tế thì trước đó, xác định phải “sống chung” với dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và chủ động có các giải pháp tự giải cứu chính mình.
Như tại nhiều doanh nghiệp bán lẻ, những sáng kiến mới đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, …
Không chỉ các doanh nghiệp, một số tiểu thương cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình để thay đổi. Đơn cử tại chợ Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương đã đầu tư trang bán hàng online, tham gia các sàn thương mại điện tử và đầu tư thêm máy quẹt thẻ và dùng ví điện tử để giúp khách hàng thanh toán thuận lợi hơn.
Theo đại diện một doanh nghiệp thì ở giai đoạn này, thay vì mở rộng phát triển, sẽ nhìn nhận các nguồn thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền, đồng thời xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết; có thể xem xét điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nhưng mục tiêu cuối cùng là đảm bảo hoạt động vận hành doanh nghiệp không bị gián đoạn.