Ngày 21/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đến thăm và làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam, thăm Trung tâm bồi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công và một số thương binh, gia đình chính sách trong tỉnh.
Cùng tham gia với đoàn, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang; bà Hà Thị Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn biểu dương những kết quả Mặt trận tỉnh Hà Nam đã đạt được.
Đẩy mạnh hoạt động giám sát
Bà Hà Thị Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam báo cáo, ngay từ đầu năm Mặt trận tỉnh đã bám sát chương trình chỉ đạo của Trung ương để tổ chức nhiều nội dung, triển khai nhiều chương trình hoạt động. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, Mặt trận tỉnh đã hoàn thành các nội dung đề cho ra trang Web nhằm truyền tải những thông tin, hoạt động của Mặt trận tỉnh.
Ngoài ra, những hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ sở, tập huấn cho các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã, huyện và Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư (KDC)... cũng được tỉnh chú trọng thực hiện.
“Nhân dịp 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, tỉnh Hà Nam đã triển khai kế hoạch và có nhiều hoạt động như tặng nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách đồng thời vận động các doanh nghiệp, các hội đồng hương Hà Nam cùng giúp đỡ. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 300 nhà Đại đoàn kết, mỗi căn nhà trị giá 30 triệu đồng”, bà Tâm nói.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn biểu dương những kết quả Mặt trận tỉnh Hà Nam đã làm được trong 6 tháng đầu năm. Thành công của những việc làm này được thể hiện rõ nét ngay tại chính những KDC. Đối với công tác giám sát và phản biện xã hội, tỉnh Hà Nam đã triển khai tới cơ sở và coi đây là nền tảng vững chắc nhất để các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận lớn mạnh.
“Muốn làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội rất cần sự ủng hộ của Đảng, chính quyền để việc tham gia góp ý của Mặt trận hiệu quả hơn. Đặc biệt, Mặt trận cần vào cuộc trong việc giám sát những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, Đảng viên trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu.
Người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết liên tịch về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết về điều 27 và điều 34 trong giám sát, phản biện xã hội cùng một số văn bản liên quan chính là kim chỉ nam cho hoạt động của Mặt trận.
“Mặt trận tỉnh cần phải chọn điểm nhấn, trong đó quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại Hội VIII của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Đại hội XII của Đảng gắn với Nghị quyết Trung ương 4. Đặc biệt, những nơi nào là điểm nóng, những nơi người dân bức xúc Mặt trận phải xuất hiện, phải vào cuộc, phải đứng về nhân dân và có tiếng nói trước nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận tỉnh cũng cần phải tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị, các tổ chức thành viên đồng thời phải hiệp thương, phối hợp để hoành thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang và bà Hà Thị Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam.
Chăm lo đời sống cho người có công
Theo ông Nguyễn Huy Long, Giám đốc trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam, trung tâm được thành lập tháng 6/1972, trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đơn vị đã tiếp nhận gần 3.000 thương bệnh binh nặng từ chiến trường miền Nam về điều trị, nuôi dưỡng. Hiện, đơn vị đang nuôi dưỡng 30 thương bệnh binh nặng với tỷ lệ thương tật khác nhau như: liệt cột sống, sọ não, cụt 2 chi, hỏng tuyệt đối 2 mắt, viêm gan… ở các địa phương từ Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình…
“Tính từ 1994 đến nay, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng cho 59.215 lượt người có công của tỉnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn mọi mặt. Đối tượng đi điều dưỡng không chỉ được chăm lo thụ hưởng chế độ vật chất mà còn được cải thiện đời sống văn hoá tinh thần, được tham quan du lịch, nghe các chuyên mục thời sự chính trị, được tận hưởng và chứng kiến những đổi thay của đất nước, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao”, ông Long nói.
Đánh giá cao những hoạt động của Trung tâm trong công tác chăm lo sức khoẻ cho thương bệnh binh nặng và người có công trong thời gian qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Trung tâm tiếp tục ổn định và tương cường các điều kiện nhằm chăm lo tốt hơn nữa cho thương bệnh binh và gia đình người có công.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi thương bệnh binh tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, đến nay cả nước có 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
“Hy sinh thân mình để đất nước có được độc lập, tự do là những hy sinh vô cùng to lớn. Chúng ta không thể quên nước mắt của các mẹ Việt Nam vì mất chồng, mất con; không thể quên được những người đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình nơi chiến trường để đất nước được hòa bình. Trân trọng những công lao đó, Đảng, Nhà nước, UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn quan tâm tới Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao quà cho đại diện Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam.
Hướng tới 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Đáp lại lời kêu gọi đó, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trong cả nước đã có nhiều việc làm cụ thể, góp phần chăm lo tốt hơn cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam tiếp tục có những hoạt động tích cực hơn nữa để quan tâm, chăm sóc thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ trên toàn tỉnh.
“Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức trong tỉnh tiếp tục quan tâm, chăm lo xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến việc học hành của con em gia đình thương binh, liệt sỹ để các cháu có điều kiện cống hiến cho đất nước. Tỉnh cũng cần đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các Trung tâm điều dưỡng để các thương bệnh binh, người có công khi điều trị tại đây có điều kiện sinh hoạt, ăn ở tốt nhất”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm bà Trần Thị Sâm.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thămthương binh hạng 2/4 Phạm Hồng Tâm.
Cùng ngày, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã đến thăm bà Trần Thị Sâm, người có chồng hy sinh trong đợt Tổng tiến công Tết Mậu thân năm 1968. Đoàn công tác cũng đến thăm thương binh hạng 2/4 Phạm Hồng Tâm, người thương binh đã trực tiếp tham gia chiến trường Campuchia khốc liệt.
Thăm các gia đình có công, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” luôn khắc ghi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 7 tri ân này, thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình những người có công với cách mạng là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện sự biết ơn những người đã cống hiến cho độc lập, tự do của dân tộc.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: