Hôm nay, 14/3, cách đây vừa tròn 28 năm, ngày 14/3/1988, một cuộc chiến đấu của các chiến sĩ hải quân Việt Nam để bảo vệ chủ quyền biển đảo đã diễn ra ở các rạn đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Linh hồn họ bất tử, máu xương họ tan vào nước biển quê hương.
Bức tranh "Gạc Ma-Vòng tròn bất tử".
Tháng 3, xin thành kính tưởng niệm những người anh hùng đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc. Không ai, không điều gì bị quên lãng. Những “tuổi 20 ai mà chẳng tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo).
28 năm đã qua, Biển Đông vẫn chưa nguôi bão tố. Nhắc lại lịch sử như là đạo lý, để tưởng niệm, để tri ân. Nhưng lịch sử còn để lại những bài học, để máu xương thực sự không uổng phí, để chủ quyền mãi mãi là bất khả xâm phạm, để đất đai hương hỏa ông cha được con cháu giữ gìn.
28 năm, linh hồn 64 chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma 1988 vẫn nằm lại nơi vùng biển đảo quê hương, nghĩa trang nơi các anh nằm vời vợi sóng xanh, nặng lòng xứ xở. Không cần đợi đền đài, các anh vĩnh viễn bất tử ở tuổi đôi mươi. Như mọi linh hồn liệt sĩ trong suốt chiều dài bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở mảnh đất hình chữ S này, máu đào của các anh đã hoà vào biển trời đất mẹ. Thời gian không làm lịch sử bị lãng quên, thời gian làm sáng tỏ hơn lịch sử, sự hy sinh của 64 chiến sĩ Hải quân trong trận chiến Gạc Ma 1988 mãi mãi là khúc ca bi tráng được nhắc nhớ mỗi dịp tháng ba về.
Để các thế hệ tuổi trẻ hôm nay phải biết tới, như một phần lịch sử dân tộc, như nhiều trang sử khác của đất nước. Một đất nước đau thương bên bờ sóng.
Học thuộc lịch sử không phải để đề cao chiến tranh, để gặm nhấm thù hận, bài học từ lịch sử là bài học về giá trị của hoà bình. Bởi vì quá khứ thì không thể thay đổi, dù đó là quá khứ hào hùng hay quá khứ đau thương. Nhưng chúng ta có thể thay đổi hiện tại và tương lai. Bài học lịch sử và giá trị của lịch sử có ý nghĩa cho hiện tại và tương lai.
Những sự kiện lịch sử như trận hải chiến Gạc Ma 1988 cần được giới trẻ biết đến để tưởng nhớ và tôn vinh sự hy sinh, tôn vinh đóng góp của những con người đã dành cuộc đời mình cho dân tộc, cho đất nước.
Mặc dù còn có những lo ngại về việc tuổi trẻ không mặn mà với môn lịch sử. Nhưng nếu chúng ta thay đổi những nhận thức về lịch sử, thay đổi cách kể những câu chuyện lịch sử, thay đổi cách truyền đi những thông điệp của lịch sử thì tin rằng, tuổi trẻ sẽ không thờ ơ với lịch sử. Mỗi năm những người trẻ tuổi vẫn thắp lên những ngọn nến để tưởng niệm và sưởi ấm linh hồn liệt sĩ, những ngọn nến thắp lên niềm tin, tin vào ngày mai và tin vào tuổi trẻ.
Ở nghĩa trang xanh ngoài Biển Đông, hôm nay, 14/3, hoa và nến cũng được thả xuống đại dương xanh, nơi máu xương người Việt hòa vào cùng sóng và nước biển. Không ai, không điều gì bị quên lãng. Năm này qua năm khác, những dòng sông nến vẫn được thắp lên, bất tận.