Dịch HIV/AIDS đến nay đang trên đà khống chế khi số nhiễm mới đang có chiều hướng giảm đáng kể (từ gần 31 nghìn người năm 2006 đến tháng 9/2015 là hơn 7 nghìn người). Tuy nhiên, số người nhiễm HIV hiện hữu luỹ tích đến nay ngày một tăng cao, đến hơn 227 nghìn người, trong đó có hơn 83,5 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Đó là gánh nặng lớn trong xã hội.
TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS
phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T.N.K.).
Nhân kỷ niệm 25 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sự kiện “Vòng tay nhân ái” vào hồi 20h ngày 3/12. |
Về hình thái dịch, tỷ lệ nữ nhiễm HIV/AIDS gia tăng và có đến 80% số nhiễm ở trong độ tuổi từ 20-40 và gia tăng lây nhiễm qua đường tình dục. Đây là những thông tin được cập nhật từ Cục Phòng chống (PC) HIV/AIDS tại Hội nghị “Triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 và công bố sự kiện 100.000 bệnh nhân điều trị ARV” diễn ra ngày 9/11, tại Hà Nội.
Theo TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục PC HIV/AIDS, chúng ta bắt đầu điều trị thuốc kháng virus HIV ARV từ năm 2004. Tính đến nay, chúng ta rất vui mừng công bố đã kháng HIV được 100 nghìn bệnh nhân bằng thuốc ARV. Đây là thành quả của cả hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương. Các bệnh nhân này, do đó, có thêm sức khoẻ và tuổi thọ. Nếu được điều trị ARV, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người nhiễm HIV có thể được thọ giống như người bình thường.
Ngoài ra, nhờ điều trị ARV, người bệnh cũng như toàn xã hội sẽ giảm đáng kể mức độ chi phí chăm sóc sức khoẻ. Nếu chúng ta đầu tư 1 đô la cho dùng thuốc ARV thì chúng ta có thể đem lại 7 đô la cho xã hội, theo tính toán của WHO.
Việc đạt được số người dùng ARV như vậy, cũng theo ông Long, góp phần đáng kể trong công tác phòng chống lây nhiễm mới HIV. Và theo phân tích của các chuyên gia, vừa qua, chúng ta đã giảm được 400 nghìn người không lây nhiễm, giảm được 150 nghìn người không tử vong, trong đó, sự đóng góp của ARV rất lớn, theo ông Long.
Năm 2015, tháng hành động này (từ 10/11 đến 10/12) được tập trung hướng vào chủ đề: “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
Tại hội nghị, chủ đề này được cụ thể hoá bằng nhiều mục tiêu như: 90% số người nhiễm HIV được biết về tình trạng bệnh tật của mình. Họ có thể được tiếp cận, quản lý và tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Muốn vậy, tháng hành động này phải được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, ông Long nhấn mạnh.
Ngoài mục tiêu 90-90-90 như đã nêu ở trên, chúng ta cần phải nỗ lực để giảm được 75% số ca nhiễm mới cũng như giảm đáng kể kỳ thị trong cộng đồng đối với những người nhiễm HIV/AIDS. Đây là quan điểm được chia sẻ từ bà Kristant Schoultz, giám đốc UNAIDS tại Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, trong số những người nhiễm HIV mới này vẫn còn không ít người không dám tiết lộ thông tin y tế về bản thân và đến khi chúng ta thuyết phục được họ đi làm xét nghiệm thì đã quá muộn. Đây là do hậu quả kỳ thị của chúng ta đối với họ. Bà thừa nhận nếu không có giải pháp hữu hiệu sau khi bị cắt giảm kinh phí hỗ trợ quốc tế như vậy thì những kết quả thu được trong thời gian qua rất dễ bị phá vỡ. Nếu chúng ta muốn kết thúc dịch này vào năm 2030 như kế hoạch chúng ta phải dồn tổng lực vào cuối con đường.