Tháng nóng nhất lịch sử

Hà Anh (theo Reuters) 28/07/2023 10:08

Ngày 27/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cho biết, tháng 7/2023 sẽ vượt qua các tiêu chuẩn nhiệt trước đó sau khi các nhà khoa học cho biết, tháng này đang trên đà trở thành tháng nóng nhất thế giới được ghi nhận.

Du khách tại châu Âu giải nhiệt bằng nước mát. Ảnh: Reuters.

Kỷ lục mới được thiết lập

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu (EU) cũng cho biết trong một tuyên bố chung rằng, rất có khả năng tháng 7/2023 sẽ phá vỡ kỷ lục.

"Chúng ta không cần phải đợi đến cuối tháng để biết điều này. Không còn một ‘Kỷ băng hà’ nhỏ trong những ngày tới, tháng 7/2023 sẽ phá vỡ các kỷ lục trên diện rộng, biến đổi khí hậu đã hiện diện và đây mới chỉ là khởi đầu” – ông Guterres nói và cho rằng, "kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến".

Những ảnh hưởng của sức nóng trong tháng bảy đã được nhìn thấy trên khắp thế giới. Hàng ngàn khách du lịch chạy trốn khỏi đám cháy rừng trên đảo Rhodes của Hy Lạp và nhiều người khác phải hứng chịu cái nóng như thiêu như đốt trên khắp vùng Tây Nam nước Mỹ. Nhiệt độ ở một thị trấn phía Tây Bắc Trung Quốc tăng cao tới 52,2 độ C, phá kỷ lục của quốc gia này.

Mặc dù WMO sẽ không lập tức khẳng định đây là tháng nóng kỷ lục mà sẽ đợi cho đến khi có tất cả dữ liệu cuối cùng vào tháng 8, nhưng một phân tích của Đại học Leipzig của Đức công bố hôm 27/7 cho thấy rằng, tháng 7/2023 sẽ lập kỷ lục.

Theo dữ liệu của EU, nhiệt độ trung bình toàn cầu của tháng này được dự đoán sẽ ấm hơn ít nhất 0,2 độ C so với tháng 7/2019, mức nóng nhất trước đây từng được ghi nhận trong hồ sơ quan sát 174 năm.

Ảnh: Reuters.

Biên độ chênh lệch giữa hiện tại và tháng 7/2019 là “đáng kể đến mức chúng ta có thể nói chắc chắn rằng, đây sẽ là tháng 7 nóng nhất” - nhà khoa học khí hậu Karsten Haustein của Leipzig cho biết.

Tháng 7/2023 được ước tính có mức nhiệt cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. WMO cũng đã xác nhận rằng, 3 tuần đầu tiên của tháng 7 là 3 tuần nóng nhất được ghi nhận.

Nhận xét về mô hình này, ông Michael Mann – nhà khoa học khí hậu tại Đại học Pennsylvania - cho biết, rõ ràng tháng 7 sẽ là một tháng nóng kỷ lục và cung cấp "chỉ báo về một hành tinh sẽ tiếp tục nóng lên khi chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch". Thông thường, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 là khoảng 16 độ C, trong đó đã bao gồm cả mùa đông ở Nam bán cầu. Nhưng vào tháng 7 này, nó đã tăng lên khoảng 17 độ C.

Ông Haustein cho biết: “Chúng ta có thể phải quay trở lại hàng nghìn nếu không muốn nói là hàng chục nghìn năm để tìm thấy điều kiện ấm áp tương tự trên hành tinh này”. Các ghi chép khí hậu ban đầu, kém tinh chỉnh hơn - được thu thập từ những thứ như lõi băng và vòng cây - cho thấy, Trái đất chưa từng nóng như thế này trong 120.000 năm qua.

Phân tích của ông Haustein dựa trên dữ liệu nhiệt độ sơ bộ và các mô hình thời tiết, bao gồm cả nhiệt độ dự báo cho đến cuối tháng này, nhưng đã được các nhà khoa học không liên kết xác thực. Ông Piers Forster - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds ở Anh - cho biết: "Kết quả được xác nhận bởi một số bộ dữ liệu độc lập kết hợp các phép đo trong đại dương và trên đất liền. Kết quả này rất mạnh về mặt thống kê".

Cái nóng như thiêu đốt ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh: Reuters.

“Quả cầu lửa” lan khắp hành tinh

Nhiệt độ ngột ngạt đã ảnh hưởng đến tất cả các khu vực trên hành tinh. Trong khi ban đêm ở sa mạc thường mát hơn, thì Thung lũng Chết ở bang California của Mỹ đã chứng kiến đêm nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu trong tháng này.

Cháy rừng ở Canada bùng phát với tốc độ chưa từng thấy. Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng lớn, với nhiệt độ thủy ngân lên đến giữa những năm 40 trên đảo Sicily của Italy, một phần của nó chìm trong biển lửa.

Các đợt nắng nóng trên biển đã diễn ra dọc theo bờ biển từ Florida đến Australia, làm dấy lên mối lo ngại về sự chết dần chết mòn của các rạn san hô. Ngay cả một trong những nơi lạnh nhất trên Trái đất là Nam Cực cũng đang cảm thấy nóng. Băng biển hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong mùa Đông ở Nam bán cầu, ngay cả ở thời điểm mà băng sẽ sớm đạt đến mức tối đa.

Trong khi đó, lượng mưa và lũ lụt kỷ lục đã nhấn chìm Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Pakistan.

Ông Friederike Otto - nhà khoa học tại Viện Biến đổi Khí hậu Grantham ở London - cho biết: "Bản thân nhiệt độ trung bình toàn cầu không giết chết bất kỳ ai. Nhưng 'tháng 7 nóng nhất chưa từng có' thể hiện ở các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu".

Hành tinh này đang ở giai đoạn đầu của hiện tượng El Nino, bắt nguồn từ vùng nước ấm bất thường ở phía Đông Thái Bình Dương. El Nino thường mang lại nhiệt độ ấm hơn trên khắp thế giới, tăng gấp đôi so với sự nóng lên do biến đổi khí hậu do con người gây ra, cái mà các nhà khoa học cho rằng trong tuần này đã đóng một vai trò "hoàn toàn áp đảo" trong các đợt nắng nóng khắc nghiệt của tháng 7.

Ông Haustein cho biết, mặc dù các tác động của El Nino dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm nay và sang năm 2024, nhưng nó “đã bắt đầu khiến nhiệt độ tăng”.

Theo truyền thống, tháng 7 là tháng nóng nhất trong năm và EU dự đoán, tháng 8 sẽ không vượt qua kỷ lục được thiết lập trong tháng này. Tuy nhiên, các nhà khoa học dự đoán năm 2023 hoặc 2024 sẽ trở thành năm nóng nhất trong sách kỷ lục, vượt qua năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháng nóng nhất lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO