Phát biểu tại tại hội nghị công bố DDCI năm 2022, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố cần thẳng thắn, cầu thị, không quá đề cao thứ hạng mà phải tập trung rà soát, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn, nút thắt nội tại để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN khi thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thọ Xuân dẫn đầu, Nghi Sơn ‘đội sổ’
Ngày 24/4, UBND tỉnh Thanh Hoá và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị công bố chỉ số DDCI (Department and District Competitiveness Index, là bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương) năm 2022.
Việc công bố DDCI được dùng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ngành, địa phương. Hiệu quả là tạo nên sự cạnh tranh, thi đua trong các khối để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhận thức rõ điều này, các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ có những ‘cải cách’ quyết liệt để khẳng định vị thế, niềm tin đối với nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp (DN).
So với 2021, DDCI năm 2022 có một số điểm mới như: Phạm vi, quy mô các DN thực hiện khảo sát, đánh giá được mở rộng lên tới 1.276 DN, cao hơn 13,5% so với năm 2021; số phiếu khảo sát năm nay thu về là 2.746, cao gấp 2,6 lần so với năm 2021; tăng cường số phiếu khảo sát online (đạt trên 60%); đã sửa đổi, bổ sung một số câu hỏi, phương án trả lời để thông tin thu về chính xác và có tính phân loại cao hơn.
Đồng thời, các khảo sát viên cũng thường xuyên, tích cực xuống địa bàn để hướng dẫn các DN trả lời phiếu khảo sát. Qua đó, đã nâng cao tính đại diện, khách quan, chính xác và rút ngắn thời gian khảo sát ý kiến của các DN trong việc đánh giá DDCI.
Theo kết quả công bố, ở khối 27 huyện, thị, thành phố, UBND huyện Thọ Xuân dẫn đầu với 90,03 điểm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp huyện này đứng đầu bảng xếp hạng (BXH) DDCI cấp tỉnh. Cùng với Thọ Xuân, có thêm 5 đơn vị được xếp vào nhóm tốt gồm Như Thanh, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn và Quảng Xương. Xếp cuối cùng ở BXH này là UBND thị xã Nghi Sơn với 48,60 điểm.
Đối với 22 sở, ban, ngành, Cục Hải quan tỉnh là đơn vị xếp đầu tiên với 85,10 điểm. Tiếp theo là Sở Công thương, Sở TTTT, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, BHXH tỉnh và Thanh tra tỉnh. Đơn vị xếp cuối là Sở TNMT với 45,16 điểm.
Thống kê cho thấy, điểm trung vị của DDCI khối sở, ban, ngành năm 2022 là 66,80 điểm, cao hơn 7,50 điểm so với năm 2021. Ở khối các huyện, điểm trung vị là 67,19 điểm, cao hơn 3,63 điểm so với năm 2021.
Thẳng thắn, cầu thị… hướng đến thay đổi thực chất
Theo ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, kết quả DDCI đã tạo ‘sức nóng’ để mỗi sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhìn nhận lại chất lượng điều hành của đơn vị mình để có những giải pháp mạnh mẽ, nhất là những quyết sách tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư lớn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh giá, DDCI năm 2022 đã phản ánh trung thực, khách quan và phân tích được bức tranh về năng lực của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 huyện, thị, thành phố. Từ BXH trên, các đơn vị sẽ phải có trách nhiệm, nhận thức rõ ràng hơn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trong thời gian tới, ông Đỗ Minh Tuấn đề nghị các đơn vị tập trung nghiên cứu kỹ kết quả DDCI và các khuyến nghị của VCCI Thanh Hóa. Từ đó, phân tích, đánh giá để phát huy những kết quả tốt, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao điểm số, thứ hạng trong thời gian tới.
Theo ông Tuấn, người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện cần thẳng thắn, cầu thị, không quá đề cao thứ hạng mà chú trọng rà soát, khắc phục những rào cản, điểm nghẽn, nút thắt nội tại để thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các DN khi thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với VCCI Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tinh thần cầu thị, đồng thời, học tập những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các địa phương trong toàn quốc để DDCI cấp tỉnh là công cụ tin cậy đánh giá hiệu quả điều hành kinh tế của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI đã đưa ra nhiều khuyến nghị để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đáng chú ý, ông Tuấn có gợi ý rằng đến năm 2023, VCCI Thanh Hóa có thể tổ chức bình chọn 10 gương mặt công chức tiêu biểu trong công tác hỗ trợ, đồng hành cùng DN trên địa bàn tỉnh.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hoá cho biết: Kết quả đánh giá các đơn vị được khảo sát hoàn toàn là cảm nhận khách quan của DN thông qua các phiếu điều tra xã hội học và sẽ được mã hoá bằng phần mềm, không có bất kỳ sự can thiệp của con người cũng như bảo mật hoàn toàn danh tính của cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia.
“Giá trị quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của DN”, ông Hiệu nói.