Sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, trưa 18/11, Quốc hội đã hoàn thành nội dung giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến năm 2015.
Cũng cần phải nói thêm rằng, dù mới chỉ là kỳ họp áp chót nhưng đây cũng là kỳ họp cuối cùng trong toàn bộ nhiệm kỳ QH khóa XIII. QH và các ĐBQH thực hiện chương trình giám sát bằng hình thức chất vấn. Bởi, kỳ cuối cùng, QH chủ yếu làm nhiệm vụ tổng kết công tác và chuẩn bị cho bầu cử QH khóa mới.
Là lần chất vấn cuối cùng nhưng ở lần này, hình thức chất vấn đã có thay đổi về cơ bản. Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ các thành viên Chính phủ, các ngành, lĩnh vực được giải trình làm rõ chứ không chất vấn theo nhóm vấn đề và không chọn 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành để chất vấn như những kỳ trước.
Đây là cách thức mà theo như đánh giá của Chủ tịch đoàn là để thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng đối với các vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây cũng là lần đầu tiên Chủ tịch QH tiến hành trả lời chất vấn của chính ĐBQH. Điều này cũng tạo nên không khí mới, sự sôi động mới khi nghị trường được “hâm nóng” bởi những trao đổi thẳng thắn.
Theo như đánh giá của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, qua tổ chức giám sát, chất vấn tại kỳ họp này cho thấy việc ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề đã bám sát tình hình thực tế, tập trung vào những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội được cử tri, dư luận xã hội đồng tình đánh giá cao.
Việc tổ chức hoạt động giám sát lại, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành là hết sức cần thiết, có tác động rất tích cực đến các cơ quan chịu sự giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ những lĩnh vực, những vấn đề được giám sát, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát đối với những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu tại các nghị quyết đã ban hành.
“Về cách thức tổ chức chất vấn, các phiên thảo luận chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và xây dựng, cách thức tiến hành chất vấn tại kỳ họp này có sự đổi mới, kết hợp việc xem xét thảo luận, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết với việc chất vấn những vấn đề thực hiện còn chưa tốt.”- Phó Chủ tịch QH nói.
Còn các ĐBQH thì đánh giá phiên chất vấn này như thế nào? Bên hành lang QH cũng có nhiều ý kiến khác nhau thậm chí là trái chiều về phiên chất vấn vừa kết thúc hôm 18/11. Người khen thì khen không tiếc lời còn người chê thì có vẻ cũng có lý do đúng đắn của mình. Nhưng, ai cũng đều ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Việc thực hiện các nghị quyết đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thành hệ thống pháp luật hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.
Điểm đặc biệt nữa của 2,5 ngày chất vấn vừa qua là rất nhiều vấn đề dân sinh, vấn đề thiết thân được đem ra trao đổi. Từ chuyện đất nông, lâm trường sử dụng sao cho hiệu quả đến việc đào tạo nghề cho nông dân. Từ việc vật tư nông nghiệp đến bữa ăn của người dân. Từ việc “phong hàm” đến chuyện lương. Từ chuyện tiết kiệm trong các dự án giao thông đến cả những vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Nói tóm lại, không né tránh, không xuê xoa lấy lòng, đó là cảm giác có thể thấy rõ.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết bên hành lang QH, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế-xã hội. Ông Vinh nhắc nhiều đến điểm nhấn là việc điều hành chính sách tiền tệ và cách xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông nói, hãy nhìn công bằng, nếu khi mới vào đầu nhiệm kỳ, trong lấy phiếu tín nhiệm Thống đốc Nguyễn Văn Bình đạt số phiếu tín nhiệm thấp; thì trong lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm ngoái, ông đã đạt tín nhiệm tăng hơn rất nhiều; thậm chí là tín nhiệm cao. Cùng trường hợp của Thống đốc, ĐB Vinh cũng dẫn ra trường hợp của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Tín nhiệm thấp ở lần lấy phiếu đầu tiên và bứt phá, “thăng hạng” cao ở lần lấy phiếu cuối nhiệm kỳ- điều đó cho thấy, rõ ràng trong điều hành, quản lý ngành, lĩnh vực “hai tư lệnh này” đã có rất nhiều nỗ lực. Nỗ lực được tính bằng thành quả mà xã hội ghi nhận. Rõ ràng, như với trường hợp của Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý nợ xấu, gom những ngân hàng yếu kém lại đã góp phần làm lành mạnh hóa lĩnh vực này.
Cũng nhận xét về Bộ trưởng Đinh La Thăng, hôm qua, bên hành lang QH, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đã nói đại ý: “Riêng với Bộ trưởng Bộ GTVT, ông nhận rất ít chất vấn của ĐBQH và đã trả lời rất rõ ràng, thuyết phục. Tôi có để ý thì thấy rằng trong phần thảo luận, khá nhiều ĐBQH đã đánh giá cao lĩnh vực GTVT, cho rằng đây là một trong những lĩnh vực có chuyển biến rõ nét nhất trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao năng lực quản lý, điều hành, kết quả công việc của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Việc có rất ít chất vấn đối với Bộ trưởng Thăng cũng cho thấy điều này”.
Đó là hai trong số các tư lệnh ngành nhận được nhiều sự đồng cảm và trân trọng của ĐBQH. Còn với các tư lệnh khác, nhiều người cũng ấn tượng với sự thẳng thắn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh... và đặc biệt là phần trả lời súc tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi chất vấn cuối. Điều đó cho thấy có rất nhiều thành viên Chính phủ đã nắm chắc ngành, lĩnh vực và “địa hạt” của mình. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những cái lắc đầu buồn bã hay những tiếng cười chua chát trước sự buông xuôi, sự thiếu đi trách nhiệm và kể cả lửa nhiệt tình ở ai đó.
Điều đó khiến cử tri buộc phải đặt câu hỏi: Tư duy nhiệm kỳ là đây chứ đâu?
Nhưng nói như thế, không phải là cái mới đã hoàn toàn hay. Và việc nó vẫn còn những “hạt sạn” cũng là điều dễ hiểu. Bởi, chất vấn theo lối cũ nhiều lần nhưng nhiều ĐBQH và kể cả thành viên Chính phủ lại cứ theo lối mòn mà trình bày. Nay theo cách mới rõ ràng không phải không có áp lực.
Và, “do đây là cách làm mới, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi những điểm còn bất cập như việc chuẩn bị các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để trình bày tại Hội trường vẫn còn dài hơn so với quy định, một số Báo cáo và trả lời chất vấn chưa nêu rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá để tạo chuyển biến rõ hơn trong thời gian tới. Đa số thành viên Chính phủ đã nắm rõ vấn đề và trả lời đúng yêu cầu của đại biểu Quốc hội, nhưng còn có Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời còn dài, không đi vào trọng tâm, chưa thỏa mãn đại biểu Quốc hội" - Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thẳng thắn đánh giá.
Một vấn đề nữa, dù đã chất vấn nhiều lần nhưng vẫn có thể thấy sự dài dòng, lặp đi lặp lại đã khiến trong những lúc, những thời gian cụ thể nào đó, không khí chất vấn trở nên nhạt nhòa. Đó là điểm đáng tiếc của lần chất vấn này. Đáng tiếc hơn vì đây là điểm yếu cỗ hữu, chưa thể khắc phục.