Cuối tháng Tư này, chúng tôi đến thăm một căn nhà trên đường Lê Ngô Cát (phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM) được xây một trệt, một lầu. Phía trên là nơi thờ ông Huỳnh Tấn Phát, tầng dưới được gia đình tu sửa để cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn kinh phí vào quỹ học bổng mang tên vị kiến trúc sư tài ba.
Làm tròn bổn phận với Đảng, với dân
Ngồi bên những kỷ vật của ông nội để lại, anh Huỳnh Trung Hiếu chia sẻ: “Dù lúc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tôi mới sinh ra nhưng hàng năm những ngày tháng Tư về, lòng tôi vẫn còn bồi hồi khó tả. Đó là các kỷ niệm của ông bà, cha mẹ về nhiều trận chiến đau thương mà đầy tự hào. Đặc biệt là truyền thống gia đình đối với cách mạng đã tô thắm thêm phẩm chất của ông nội tôi”.
Anh Hiếu kể, ông cố tổ là cụ Hoàng Văn Sách vào đất Gia Định, rồi định cư vùng Tân Hưng - An Hoá (Bến Tre) khai khẩn đất hoang, gom dân lập làng. Vào thời Pháp thuộc, cụ tổ của ông nội anh là cụ Huỳnh Văn Thiệu được Pháp mời ra cai quản địa phương. Không những từ chối mà cụ Thiệu còn tập hợp dân chúng chống lại Pháp, bị bắt, rồi bị chặt đầu. Khi chôn cụ, xác không toàn thây nên dân làng phải lấy trái dừa để thay cho đầu cụ.
Để ghi ơn cụ, dân làng đã phong cụ là “Thần hoàng” và dựng đền Tân Hưng thờ cụ. Năm 1947, cố nội và em gái cố anh Hiếu cũng bị địch bắn chết. Nén đau thương, bà cố nội vẫn động viên vợ chồng con trai bà là ông Huỳnh Tấn Phát tiếp tục chiến đấu, làm tròn bổn phận với Đảng, với dân…
“Còn cô tôi là bà Huỳnh Lan Khanh tham gia cách mạng từ sớm, cô bị địch bắt tại Tây Ninh. Địch đưa cô lên trực thăng, cô đã nhảy từ trên cao xuống, rồi qua đời khi tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi. Cô Lan Khanh được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang” - anh Hiếu kể.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, các thành viên trong gia đình Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lần lượt về TP HCM nhưng vẫn không có nhiều thời gian để thực sự đoàn tụ bên nhau. Ngày đoàn viên của họ chính là niềm vui đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, và rồi mọi thành viên trong gia đình đều nhanh chóng bắt tay vào công việc ở những đơn vị khác nhau trên cả nước.
Đã 46 năm trôi qua, nay ôn lại những ngày đầu miền Nam được giải phóng, những người thân của cố Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vẫn nhớ như in hình ảnh trên đường phố đi đâu cũng bắt gặp những cử chỉ, hành động quý mến của người dân Sài Gòn dành cho những anh bộ đội giải phóng. Bản tin đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng là “Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định” với nội dung: Đất nước đã chấm dứt chiến tranh, tất cả tầng lớp nhân dân mau chóng ổn định cuộc sống. Nhân dân ta bắt đầu ngày mới - Ngày thống nhất, hòa bình của đất nước, cùng xây dựng Tổ quốc Việt Nam độc lập, tự do và giàu mạnh.
Tận tâm với công tác Mặt trận
Vào giữa năm 1982, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Huỳnh Tấn Phát ra sức khôi phục và phát triển Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, theo đúng chức năng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về ngành kiến trúc và xây dựng. Ông quy tụ được một số đông kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng giỏi để phát huy tác dụng của ngành, tiếp đó ông được chuyển sang làm công tác Mặt trận. Nhiều người muốn Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở lại phụ trách ngành, nhưng ông không chần chừ, sẵn sàng sang cơ quan Mặt trận. Ông góp sức với Đảng đoàn và Ban Thư ký soạn Chỉ thị 17, một chỉ thị có thể làm nền tảng cho công việc đổi mới công tác Mặt trận, góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự.
Tháng 5/1983, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Liền sau đó, ông huy động Ban Thư ký thực hiện ngay Chỉ thị 17 vừa được ban hành. Ông đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam để phổ biến, phân tích, đánh giá nội dung chỉ thị, giúp Uỷ ban Mặt trận các cấp nhận định đúng hơn vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận và đề ra những biện pháp củng cố Mặt trận cơ sở.
Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát tranh thủ cấp uỷ Đảng thiết thực tăng cường lãnh đạo công tác Mặt trận theo tinh thần Chỉ thị 17. Đây là điều quan trọng mà Kiến trúc sư đã rút ra được từ những kinh nghiệm phong phú và lâu dài trong vận động các giới đồng bào đứng lên làm cách mạng.
Bấy giờ, vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận cho rằng, Mặt trận là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Muốn công tác thiết thực tất nhiên, Uỷ ban Mặt trận, ngoài các tổ chức thành viên, còn bao gồm rộng rãi những đại biểu các giới, nhân sĩ, trí thức, công thương gia, dân tộc, tôn giáo... Những uỷ viên trên, vừa tiêu biểu, vừa thực sự hoạt động, mới tạo được sinh khí mới cho Mặt trận. Do đó, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát hết sức quan tâm chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp của Đoàn Chủ tịch hoặc cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận để quy tụ đông đủ các thành viên, gợi ý cho các vị phát biểu, thảo luận đi đến thống nhất về một chương trình hành động chung.
Bởi vậy, các cuộc họp của Uỷ ban Mặt trận phía Bắc cũng như phía Nam đều sôi động. Các vị được thông báo tình hình đầy đủ và nhiều vấn đề được đặt ra xin ý kiến các vị, nhằm đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận. Các tổ chức thành viên sẵn sàng góp phần mình phát động những phong trào chung trên toàn quốc. Những vị tiêu biểu đều tìm cách tuyên truyền vận động giới tham gia công tác Mặt trận, phối hợp hành động nhịp nhàng hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát tận tình cổ vũ cho sự nghiệp đại đoàn kết, nhất là đối với miền Nam, tuyến đầu Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ. Theo ý ông, chủ nghĩa thực dân ở miền Nam còn tác hại lâu dài. Về kinh tế, ta chủ trương năm thành phần. Đội ngũ trí thức khoa học - kỹ thuật được đào tạo từ nhiều nước tư bản, đa dạng và phong phú. Đội ngũ công nhân lành nghề đã phần nào có tác phong công nghiệp. Nông dân miền Nam nhạy bén hơn với khoa học - kỹ thuật và lúa đã trở thành một hàng hoá xuất khẩu. Đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi hội tụ nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức xã hội mang màu sắc chính trị, công tác Mặt trận ở đây đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu từng đối tượng, từng chính sách. Do đó, ông rất chú ý chăm sóc, phát huy lực lượng trí thức tại chỗ và góp phần giải quyết tốt những vấn đề có tính chất chiến lược lâu dài như vấn đề đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần và tư tưởng của họ.
Để tăng cường sức mạnh đoàn kết nội bộ, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đề cao tinh thần kỷ luật tự giác, tính dân chủ trong hoạt động của Ban Thư ký. Bản thân ông cũng không chỉ đạo từng việc cụ thể mà để quyền cho Ban Thư ký thực hiện các chủ trương của Đảng đoàn đã quyết. Nhờ đó mà cơ quan Trung ương Mặt trận hoạt động khá đều tay, ăn ý và thoải mái, cùng nhau hăng hái đi cơ sở và chỉ đạo các phong trào với nhiều hiệu quả.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre).
Năm 1931, sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường Pestrus Ký (Sài Gòn), ông ra Hà Nội và thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1936, ông tốt nghiệp thủ khoa kiến trúc và trở thành kiến trúc sư. Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đầu năm 1946, ông bị địch bắt. Đến tháng 11/1947, ông được trả tự do. Năm 1962, ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Tháng 6/1969 tại Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Năm 1976, ông được Quốc hội cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 6/1982, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khoá I,II,III,VI, VII, VIII. Đồng thời được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc tặng nhiều huân, huy chương cao quý.