Doanh thu phim Việt năm qua vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, có không ít phim trong đó gây tranh cãi và trở thành thảm họa. Điều này khiến cho bức tranh của điện ảnh đứng trước nhiều nỗi lo.
Theo thống kê từ Box Office, trang phân tích dữ liệu doanh thu phòng vé, trong nửa năm, tổng doanh thu phòng vé phim Việt 2023 đã lên tới 1.000 tỷ đồng.
Thành tích này nhờ sự đóng góp lớn của “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh". Đây cũng được xem là một bước tiến mới so với nền công nghiệp điện ảnh năm 2022.
Các tác phẩm ăn khách năm qua phần đa phần đến từ những tên tuổi lâu năm như: Trấn Thành, Lý Hải, Võ Thanh Hòa, Vũ Ngọc Đãng…
Trái ngược với cảnh “nở rộ” đầu năm, doanh thu phim Việt lại tụt dốc những tháng giữa và cuối năm. Thực tế, một số tác phẩm điện ảnh doanh thu không tỷ lệ thuận với chất lượng phim. Có đến 70% số phim năm 2023 không đạt doanh thu cao và chịu lỗ. “Thành phố ngủ gật” và “Bên trong vỏ kén vàng” là hai bộ phim có thành tích kém nhất năm qua.
Nửa cuối năm, nhiều phim Việt gây ồn ào khi liên tục sử dụng cảnh nóng làm yếu tố câu khách. Các phim gắn nhãn T18 (cấm người xem dưới 18 tuổi) liên tục ra rạp như “Người vợ cuối cùng”, “Chiếm đoạt", "Live: Phát trực tiếp”, “Người mặt trời”…
Hai phim có doanh thu khả quan dịp cuối năm là “Đất rừng phương Nam” và “Người vợ cuối cùng”.
Với “Người vợ cuối cùng” tuy không nhận về những lời khen xuất sắc, nhưng vẫn là một bộ phim chỉn chu, công phu về nhiều mặt đến từ đạo diễn Victor Vũ. Phim đặc biệt gây ấn tượng với phần thiết kế bối cảnh đẹp, trang phục, tạo hình nhân vật đẹp và có căn cứ từ những tư liệu lịch sử.
Phim Việt chiếu rạp năm 2023 thu hơn 1.500 tỷ đồng. Con số này là một tín hiệu tốt dành cho điện ảnh Việt trong năm nay. Song, nhiều nhà sản xuất vẫn đang chạy theo doanh thu mà bỏ quên chất lượng. Để rồi nhìn lại năm 2023, bài toán về bức tranh của điện ảnh vẫn còn đứng trước nhiều nỗi lo.
Đạo diễn Ngô Quang Hải cho hay, con số doanh thu 1.500 tỷ đồng trong năm 2023 cho thấy sự khởi sắc trở lại sau đại dịch Covid-19 của nền điện ảnh nước nhà. Song, thống kê cũng phản ánh phần nào sự đuối sức của các nhà làm phim.
“Điện ảnh Việt chỉ khởi sắc khi có những điều kiện cần và đủ (kịch bản, tên tuổi của đạo diễn, thậm chí là thời điểm ra mắt…). Tuy nhiên, nếu chỉ cần đảm bảo yếu tố trên thì phim ảnh khó đi được đường dài. Muốn phát triển và vươn tầm quốc tế, hơn hết cần một kịch bản hay và hoàn chỉnh”, đạo diễn Ngô Quang Hải nhận định.
Là một người giành nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường điện ảnh, đạo diễn Ngô Quang Hải nhận định, kịch bản là đề tài muôn thuở khi nhắc đến phim điện ảnh Việt. “Thiếu và yếu” là tình trạng chung của đội ngũ biên kịch trong nước mà nhiều nhà làm phim, giới chuyên môn từng bàn luận.
Đứng trên cương vị là người quản lý, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch hội Điện ảnh nêu quan điểm, hiện điện ảnh nước nhà đứng trước “cơn khát” của việc thiếu kịch bản. Rõ ràng, thị trường phim Việt đang rất cần những kịch bản tốt, những nhà biên kịch xuất sắc nhưng cũng đang thực sự cần những nhà quản lý quan tâm và nắm bắt nhu cầu của thị trường để có sự hài hòa trong kiểm duyệt và tư vấn sáng tác. Và còn cần hơn nữa những nhà sản xuất có tâm và có tầm để điện ảnh Việt Nam có được những tác phẩm đáp ứng được cả tính nghệ thuật và thương mại.
Theo ông Tân, các nhà làm phim hiện nay còn tập trung chạy theo thị hiếu của người trẻ, thị hiếu người trẻ lại dễ thay đổi. Điều này trở thành trở ngại không nhỏ cho các nhà làm phim. Chưa kể, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn trong nước đang mở rộng đề tài sang những chủ đề được xem là khó làm như ma cà rồng, zombie, trinh thám… Song những tác phẩm này vẫn còn nhiều “sạn”, đầu tư chưa “tới” khiến khán giả ít nhiều mất niềm tin.
Trong khi đó, nhiều nhà làm phim thừa nhận, khán giả Việt hiện tại rất tinh tế. Ngoài tính giải trí, họ còn cần tác phẩm có kịch bản hấp dẫn, đột phá, câu chuyện sát thực tế. Nếu một bộ phim đủ các yếu tố trên thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ hút khách, chưa kể cũng cần yếu tố may mắn, “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Song nếu một tác phẩm kém thì hiệu ứng truyền miệng của dư luận cũng đủ khiến tác phẩm bị ngó lơ.
Ông Nguyễn Văn Tân khẳng định, để nghĩ về cuộc cạnh tranh sòng phẳng với phim nước ngoài ở rạp, phim Việt cần giải những bài toán như đầu tư bài bản cả về tài chính và nguồn lực khác, nghiên cứu thị hiếu thẩm mỹ của khán giả và nâng cao sức sáng tạo của các thành phần đoàn phim...