Bỏ cây trồng cũ kém hiệu quả, thay bằng loại cây trồng mới năng suất cao, giá trị thương phẩm tốt là điều dễ hiểu, nhưng không phải ai cũng dám làm.
Ở xã Phú Hựu (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng Ri 6. Và từ đó, nhiều người đã có “của ăn của để”.
Sầu riêng đang đem lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân Nguồn: Mekong Smile.
Những năm qua, Đồng Tháp nổi lên như một điển hình làm giàu từ nông nghiệp, trên phạm vi cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền, người nông dân đã tiến hành nhiều “thử nghiệm mới” và đã thành công. Đó là việc chuyển đổi giống cây trồng; áp dụng kĩ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; thành lập các tổ hợp tác giúp đỡ nhau; chú trọng việc thương mại hóa nông sản; liên kết nhà nông với doanh nghiệp…
Trở lại với việc người dân xã Phú Hựu trồng cây sầu riêng Ri 6, trước đây chừng 10 năm, trong xã chỉ có một hộ nông dân dám trồng. Nói như bà con trong xã, khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn. Bà con phải đi Tiền Giang, Bến Tre học hỏi kinh nghiệm. Học được rồi, về trồng thử, nhưng cũng không đơn giản chút nào, từ kĩ thuật trồng, chăm sóc và nhất là khi sầu riêng ra trái thì bán ở đâu. Nhưng rồi khó khăn mấy thì cũng qua đi, miễn là chọn đúng hướng và quyết tâm theo đuổi. Tới nay, với giá bán trung bình 60.000 đồng 1 kg, bà con có lãi nên rất phấn khởi.
Cũng từ đó mà tên tuổi của sầu riêng Phú Hựu lan rộng. Bà con không phải tự mang sầu riêng đi bán mà thương lái tìm đến tận vườn. Có thể nói, tới nay công việc làm ăn đã thuận lợi hơn nhiều. Tới nay, xã Phú Hựu có 25 hộ trồng sầu riêng, diện tích hơn 10ha. Bà con tập hợp lại thành lập Tổ hợp tác sầu riêng Phú Hựu. Sắp tới, nà con dự tính nâng từ Tổ hợp tác lên thành Hợp tác xã, để “làm ăn lớn” khi có pháp nhân để liên kết với các doanh nghiệp. Khi lên Hợp tác xã thì cũng có thể được vay vốn ngân hàng để xây dựng kho bãi và tự đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu.
Theo lãnh đạo xã Phú Hựu, mô hình trồng sầu riêng của Tổ hợp tác được xem là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Để phát triển ổn định loại cây trồng này, địa phương đang củng cố lại mô hình theo hướng vận động, khuyến khích bà con trồng sầu riêng theo hướng sạch, đồng thời tập hợp lại theo mô hình Hợp tác xã. Đây cũng chính là nguyện vọng của bà con.
Trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Tháp, việc xác định trồng rau, hoa màu an toàn, chất lượng là rất rõ ràng. Hiện toàn tỉnh có 306ha đăng ký đủ điều kiện vùng nông sản sản xuất an toàn thực phẩm, trong đó rau, hoa màu chiếm gần 200ha. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới tại thành phố Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự, hay mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá Aquaponics tại huyện Lấp Vò...
Để thực hiện hiệu quả các mô hình canh tác rau màu an toàn, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã tập trung xây dựng và phổ biến các mô hình hiệu quả đến các vùng sản xuất chuyên canh rau màu. Trong đó, xây dựng kế hoạch hằng năm để chứng nhận thêm các vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm và từng bước hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã, Tổ hợp tác đăng ký mã số vùng trồng để thuận lợi phục vụ cho xuất khẩu. Còn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất rau, hoa màu an toàn, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đến nông dân. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm để người sản xuất có trách nhiệm đối với sản phẩm mình làm ra nhằm xây dựng lòng tin đến người tiêu dùng.