Xã hội

Thanh Hóa: Chạy nước rút, quyết tâm ‘tiêu hết tiền’ dịp cuối năm

Anh Tuấn 25/11/2024 16:04

Để giải ngân được 100% vốn đầu tư công, trong 2 tháng cuối năm, tỉnh Thanh Hóa phát động chiến dịch ‘60 ngày đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024’ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tổng kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 của tỉnh (bao gồm cả vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024) là 14.122,377 tỷ đồng. Báo cáo gần nhất tính đến ngày 28/10 cho thấy, Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 9.300 tỷ đồng, đạt 65,9% kế hoạch, cao hơn 10,8% so với cùng kỳ và hiện đang đứng thứ 4 cả nước.

nshh.jpg
Tổng giá trị xây lắp của dự án đường ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa đến nay đã thực hiện được là hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 70% giá trị hợp đồng. Ảnh: Đình Minh chụp tháng 6/2024.

Trong kết quả này, có 19/56 chủ đầu tư, địa phương giải ngân bảo đảm tỷ lệ theo chỉ thị số 01 và các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; 22 chủ đầu tư, địa phương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả tỉnh; có 80 dự án (chiếm 26,7% tổng số dự án) đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Với ba chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã giải ngân được 1.171,7 tỷ đồng, bằng 67,5% kế hoạch. Giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được 220,6 tỷ đồng, bằng 68,1% kế hoạch.

Trong quá trình giải ngân vốn, vẫn còn hạn chế, khó khăn như tiến độ của một số dự án trọng điểm còn chậm; tiến độ chuẩn bị hồ sơ của các dự án khởi công mới chậm; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra… Đặc biệt, toàn tỉnh vẫn còn 31 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với trung bình của tỉnh như: BQLDA đầu tư các công trình NNPTNT; BQL KKT Nghi Sơn và các KCN trong tỉnh; Sở Xây dựng; UBND huyện Nga Sơn, Đông Sơn, Nông Cống, Quan Sơn, thị xã Nghi Sơn…

khoi-cong-3.jpg
Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1A đi Cảng Nghi Sơn khởi công ngày 19/2/2024, đến nay giải ngân đạt 51,5% kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Chung

Lấy ví dụ về một điển hình giải ngân chậm, năm 2024, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa được giao 656 tỷ đồng, đã giải ngân được 212 tỷ đồng, còn lại 441 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân chậm là do công tác GPMB không đáp ứng yêu cầu, khó khăn về vật liệu xây dựng và nhất là do năng lực nhà thầu suy giảm. Mặc dù lãnh đạo tỉnh và Sở đã liên tục đôn đốc và làm văn bản nhắc nhở, thậm chí cảnh cáo nhiều lần nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Mới đây nhất, Sở đã họp với các nhà thầu và các đơn vị liên quan, ra 'tối hậu thư' cho các đơn vị nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa cao.

Cùng với sự chậm trễ do GPMB thì công tác chuẩn bị thủ tục hồ sơ chậm cũng là một 'điểm nghẽn' đang xảy ra tại Thanh Hóa. Trong đó, có thể kể đến việc 17 dự án chưa được phê duyệt đầu tư (có 10 dự án thuộc đề án sắp xếp dân cư bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét) do tiến độ chuẩn bị hồ sơ còn rất chậm.

Quyết tâm giải ngân 100% vốn

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, trong số các dự án trọng điểm, có nhiều dự án triển khai rất chậm, vì vậy, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả tỉnh. Điển hình, có thể kể đến như: Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lưc - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia vay vốn WB, giải ngân 30,803/295,721 tỷ đồng (đạt 10,4% kế hoạch); dự án đường nối QL1 với QL45 đoạn từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa giải ngân 43,397/150,879 tỷ đồng (đạt 28,8% kế hoạch); dự án đường Vạn Thiện đi Bến En, giải ngân 128,262/305,966 tỷ đồng (đạt 41,9% kế hoạch); dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ, vay vốn AFD, giải ngân 154,096/323,38 tỷ đồng (đạt 47,7% kế hoạch); dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, QL1A đi Cảng Nghi Sơn, giải ngân được 104,061/201,727 tỷ đồng (đạt 51,5% kế hoạch)...

20240411170415_img_7789.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án 'Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025'. Ảnh chụp ngày 11/4/2024.

Tại hội nghị toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 (diễn ra ngày 30/10), Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã khẳng định: Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới giải ngân chậm của 31 chủ đầu tư, địa phương, nguyên nhân chính là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu thực hiện chưa tốt; nhiều địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, lúng túng, không có biện pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nếu người đứng đầu các địa phương không thấm nhuần quan điểm làm vì việc chung và vì lợi ích chung thì việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn sẽ bế tắc.

Trước áp lực thời gian khi thời điểm cuối năm đã cận kề, ông Đỗ Minh Tuấn đã phát động chiến dịch '60 ngày đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024’. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn, việc phát động chiến dịch vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để các địa phương quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn được giao. ‘Mục tiêu này phải được hoàn thành bất luận trong trường hợp nào và Thanh Hóa đủ tự tin để hoàn thành’, ông Tuấn khẳng định.

đỗ minh tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát động chiến dịch '60 ngày đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024’.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trước mắt, giải pháp ưu tiên là nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phải sâu sát, quyết liệt, cụ thể, nắm tình hình thực hiện đến từng dự án để chỉ đạo. Các cấp, các ngành, các địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để cùng vào cuộc giải quyết, tháo gỡ các ‘điểm nghẽn' trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn giao Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về chỉ đạo công tác thanh tra trên lĩnh vực xây dựng, trong đó tập trung vào các nội dung như chất lượng hồ sơ mời thầu; hoạt động tư vấn; chất lượng công trình. Đồng thời, thống nhất chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Chạy nước rút, quyết tâm ‘tiêu hết tiền’ dịp cuối năm