Thanh Hóa: Dân khỏe, chính quyền ‘nhàn’ nhờ ứng dụng CNTT trong xử lý TTHC

ANH TUẤN - ĐÌNH MINH 30/11/2021 08:32

Thông qua hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT), bộ máy hành chính của tỉnh Thanh Hóa dễ dàng liên kết với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, điều hành nhanh chóng, hiệu quả, chính xác và kiểm soát tốt mọi công việc.

  1. Bắt kịp xu thế

Giai đoạn 2017-2019, chỉ số cải cách hành chính (PARINDER) của tỉnh Thanh Hóa xếp ở vị trí 61/63 tỉnh thành (năm 2017), xếp thứ 57/63 (năm 2018) và thứ 43/63 (năm 2019).

Suốt nhiều năm liền nằm ở nhóm vị trí ‘áp chót’ đã thôi thúc lãnh đạo tỉnh phải quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính (CCHC). Đặc biệt tập trung cao hơn nữa nguồn nhân lực của cả hệ thống chính trị thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC.

Sau 1 năm nỗ lực không ngừng, năm 2020, các lĩnh vực đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực hiện đại hóa hành chính được 13,71/15 điểm. Cũng trong năm này, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố và "về đích" ở vị trí 13/63 trên bảng xếp hạng của cả nước về chấm điểm chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng).

Sau nhiều năm đứng 'áp chót', Thanh Hóa đã mạnh dạn áp dung CNTT vào giải quyết TTHC và thu được nhiều kết quả đáng kể.
Sau nhiều năm đứng 'áp chót', Thanh Hóa đã mạnh dạn áp dung CNTT vào giải quyết TTHC và thu được nhiều kết quả đáng kể.

Trong hiện đại hóa nền hành chính, các phần mềm ứng dụng CNTT đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử đã được đầu tư xây dựng. Trục tích hợp liên thông văn bản LGSP của Thanh Hóa đã kết nối, liên thông với hệ thống quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ TƯ đến cấp xã, phường.

Theo thống kê của Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 9/2021, tổng hồ sơ: 91.836, hồ sơ đã xử lý: 72.012 đạt tỉ lệ 97.74% đúng hạn; tháng 10/2021 tổng hồ sơ 98.511, hồ sơ đã xử lý: 76.300, đạt tỉ lệ 97.16% đúng hạn; tháng 11/2021 (tính đến ngày 10/11): tổng hồ sơ 44.595, hồ sơ đã xử lý: 22.398; đạt tỉ lệ đúng hạn 95.64%.

Được biết, Thanh Hóa cũng là địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước triển khai hiệu quả việc xử lý văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số, mỗi năm tiết kiệm gần 63 tỷ đồng chi phí hành chính của các cơ quan Nhà nước.

Đây cũng là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 2.079 TTHC trong đó có 831 TTHC cấp độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.

Hướng đến chính quyền điện tử

Tại Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa, bằng nhiều giải pháp ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC), như: Màn hình điện tử hiển thị thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ; kios lấy số thứ tự, hệ thống xếp hàng tự động; thiết bị đọc mã vạch tra cứu thông tin; hệ thống phần mềm một cửa điện tử tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC..., Trung tâm đang từng bước nâng cao chất lượng, công khai, minh bạch trong giải quyết các TTHC để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận, thực hiện và giám sát việc giải quyết TTHC.

Đặc biệt, 100% TTHC từ khâu tiếp nhận và trả kết quả được số hóa xử lý trên môi trường mạng, các thao tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ được thực hiện trên hệ thống phần mềm một cách nhanh chóng, thuận tiện, qua đó, tăng hiệu quả quản lý thông tin, dữ liệu, thuận tiện cho việc tra cứu nội dung hồ sơ TTHC trong trường hợp cần thiết, giảm tối đa việc ban hành, lưu trữ bản giấy gây tốn kém chi phí tại trung tâm.

100% TTHC thực hiện tại trung tâm được thiết lập quy trình điện tử chuẩn ISO trên hệ thống thông tin một cửa điện tử, qua đó đảm bảo việc giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, đơn vị được thực hiện một cách công khai, minh bạch trên môi trường mạng, đồng thời xác định rõ được trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong từng khâu, từng việc của quá trình giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết TTHC được trung tâm thông báo qua tin nhắn điện thoại (SMS) và thư điện tử để tổ chức, cá nhân chủ động trong việc nhận kết quả giải quyết TTHC.

Người dân và chính quyền địa phương
Người dân và chính quyền địa phương "khỏe" hơn khi tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc trong xử lý các TTHC.

Để có được hạ tầng công nghệ hiện đại, phục vụ giải quyết TTHC, ông Nguyễn Tuấn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trung tâm đã triển khai, áp dụng nhiều sáng kiến đột phá trong giải quyết TTHC như: Sử dụng phần mềm biên lai thu phí, lệ phí điện tử tự động tại một đầu mối; triển khai thanh toán tiền phí, lệ phí qua hệ thống thanh toán trực tuyến VNPTPAY; ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietinbank cung cấp dịch vụ Internet Banking, đặt POS quẹt thẻ, thanh toán bằng mã QR pay miễn phí dịch vụ cho tổ chức, công dân có nhu cầu thanh toán phí, lệ phí bằng tài khoản ngân hàng. Việc áp dụng các kênh thanh toán trực tuyến và sử dụng hóa đơn/biên lai điện tử nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, giúp cho tổ chức, công dân giảm thời gian, chi phí, tiết kiệm được chi phí in ấn, chi phí văn phòng phẩm...

Kết quả đạt được từ việc tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tại trung tâm đã giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử đang là hướng đi đúng để xây dựng môi trường giao tiếp giữa chính quyền và Nhân dân, giúp tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính Nhà nước góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), qua đó góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Để đẩy nhanh quá trình đổi mới quy trình làm việc từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ để mua sắm, nâng cấp hệ thống trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã.

Khi chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thanh Hóa đã và đang bắt nhịp, hòa mình cùng sự chuyển đổi tích cực ấy. Dù không phải là địa phương đi tiên phong, nhưng Thanh Hóa xác định sẽ làm và phải làm thành công...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Dân khỏe, chính quyền ‘nhàn’ nhờ ứng dụng CNTT trong xử lý TTHC