Sáng 20/7, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa cùng nhiều cán bộ tại Sở GDĐT Thanh Hóa về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Đây được xem là một trong vụ “đại án” của xứ Thanh được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.
Theo đó, các bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử, gồm: Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Văn Cương, nguyên Trưởng phòng kế hoạch tài chính thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa; Trịnh Hữu Nghĩa, nguyên Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở GDĐT Thanh Hóa; Nguyễn Văn Phụng, nguyên Phó phòng kế hoạch tài chính Sở GDĐT Thanh Hóa. Bùi Trí Thức, nguyên là chuyên viên Phòng Kế hoạch tài chính Sở GDĐT Thanh Hóa; Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên Công ty CP thẩm định giá BTC Value; Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP sách và thiết bị trường học Thanh Hóa; Vũ Thị Ninh, Kế toán trưởng Công ty CP sách và thiết bị trường học Thanh Hóa và Hồ Thị Sáu, Giám đốc khối thẩm định thuộc Công ty CP thẩm định giá BTC Value.
Theo nội dung cáo trạng cho biết: Trong thời gian giữ chức Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là giai đoạn 2019 - 2021, bà Phạm Thị Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty CP thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa để thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định của luật Đấu thầu đối với 2 gói thầu.
Cụ thể, ngày 16/4/2020, bà Phạm Thị Hằng đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa (địa chỉ tại TP Thanh Hóa) và Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo (địa chỉ tại Hà Nội) thực hiện gói "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020 - 2021 cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị" (gói thầu số 1). Tổng giá trị gói thầu trên là hơn 32,6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa thực hiện 38,5% (tương đương hơn 12,5 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo thực hiện 61,5% (tương đương hơn 20 tỷ đồng).
Cũng trong năm 2020, Sở GDĐT Thanh Hóa làm chủ đầu tư gói thầu "Mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới năm học 2020 - 2021, vận chuyển, lắp đặt thiết bị". Giá trị gói thầu là gần 87 tỷ đồng (gói thầu số 2). Ở gói thầu này, có 4 công ty trúng thầu (hình thức liên danh), gồm: Công ty CP sách - Thiết bị trường học Thanh Hóa, Công ty CP đầu tư Hoàng Đạo, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Khang An, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Nam Hoa và Công ty CP thiết bị giáo dục - Khoa học kỹ thuật Long Thành.
Kết quả điều tra xác định, tại gói thầu số 1 giá trị thực tế là 24,9 tỷ đồng nhưng các bị cáo đã phối hợp với nhau nâng khống lên 32,6 tỷ đồng (chênh lệch 7,6 tỷ đồng). Tại gói thầu số 2, giá trị thẩm định thực tế là 73,7 tỷ đồng, nhưng đã nâng lên gần 87 tỷ đồng (chênh lệch hơn 13,2 tỷ đồng).
Tổng giá trị 2 gói thầu do Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa nâng khống, gây thất thoát ngân sách Nhà nước là trên 20,8 tỷ đồng. Riêng Phạm Thị Hằng bị cáo buộc là chủ mưu, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Công ty sách Thanh Hóa tham gia và trúng thầu. Thành lập Hội đồng mua sắm không thực hiện nhiệm vụ gì liên quan đến 2 gói thầu. Phạm Thị Hằng ký các văn bản đề xuất của cấp dưới, biết rõ nội dung kết quả lựa chọn nhà thầu không công bằng, khách quan.
Cũng theo cáo trạng, kết thúc mỗi gói thầu, Lê Thế Sơn đã đến phòng làm việc "chung chi" cho Nguyễn Văn Phụng tổng cộng 6 tỷ đồng (mỗi lần 3 tỷ đồng). Phụng khai sau đó đã đưa cho Hằng 3 tỷ đồng, Trịnh Hữu Nghĩa 1,65 tỷ đồng, Lê Văn Cương 250 triệu đồng... Số còn lại 300 triệu đồng, Phụng khai giữ lại cho Phòng Kế hoạch, tài chính chi vào công việc chung.