200m chiều dài kè phòng hộ ven biển thuộc dự án đường giao thông từ kênh Phúc Ngư đến thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vừa xây dựng xong đã xuất hiện nhiều điểm bị sụt lún, không đảm bảo an toàn, nhà thầu đang bóc đi làm lại.
Ngày 6/11/2023, ông Hoàng Ngọc Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa ký quyết định số 4442/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Đường giao thông từ kênh Phúc Ngư đến thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng dự kiến là 180 tỷ đồng, gồm 3 hạng mục chính là phần tuyến đường, phần chiếu sáng và kè phòng hộ.
Ngày 29/1/2024, ông Lê Đình Bình – Phó Giám đốc BQL DA huyện Hoằng Hóa ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công phần tuyến đường và kè phòng hộ là liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tuấn Linh (Công ty Tuấn Linh) và Công ty TNHH Hoàng Tuấn với giá trúng thầu gần 182 tỷ đồng (bao gồm cả bảo hiểm công trình), thời gian thi công trong 365 ngày.
Đối với phần tuyến đường, được khởi công từ tháng 2/2024, đến ngày 29/4 thì hoàn thành thông xe kỹ thuật con đường dài 2,1km, nối kênh Phúc Ngư đến thôn Giang Sơn. Với các hạng mục như vỉa hè, cây xanh, điểm dừng đỗ xe điện và các phần phụ trợ khác, đơn vị thi công đang tiếp tục hoàn thiện.
Về hạng mục chiếu sáng, theo quan sát, đến nay, nhà thầu vẫn chưa lắp đặt các trụ và bóng đèn. Còn đối với hạng mục kè phòng hộ, đã được xây dựng ngay tại mái taluy phía biển (bên phải) của tuyến đường dài 2,1 km. Trong đó, đoạn từ Km0+00 - Km0+746,3 (dài 746,3 m) là tuyến kè trực diện với biển, có thiết kế phần thân kè dạng mái nghiêng, gia cố bằng các cấu kiện bê tông đúc sẵn, phía dưới là lớp đá dăm lót và vải địa kỹ thuật, được xếp trên lớp đất đắp nền có độ đầm chặt K95, ở dưới cùng là lõi bằng cát đầm chặt K95.
Bắt đầu thi công vào tháng 4/2024, sau hơn 1 tháng, đến nay, Công ty Tuấn Linh đã hoàn thành gần 200m bờ kè mái nghiêng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, mái kè thường xuyên bị sụt lún do thủy triều dâng cao, sóng đánh mạnh vào bờ khiến nước và cát lọt qua cấu kiện bê tông, thẩm thấu vào phần thân kè, sau đó cuốn trôi lớp đất và cát đắp nền ra biển. Từ đây, những mái kè có dấu hiệu bị rỗng ruột, sụt lún, nguy cơ đổ sập.
Theo ghi nhận của PV vào các ngày 5 và 6/5, một đoạn bờ kè mái nghiêng dài khoảng 10m, nằm tại thôn 1 (xã Hoằng Trường) đã bị bóc rời toàn bộ lớp cấu kiện bê tông đúc sẵn trên bề mặt. Với việc sóng đánh liên tục vào bờ, lớp đá lót, vải địa kỹ thuật và đất, cát tại phần kè này đã bị nước cuốn trôi ra biển, để lại một khoảng trống rất lớn, tách biệt đoạn kè dài 200m thành 2 phần riêng biệt.
Ở phía phần kè bị bóc ra này là một không gian trống huơ trống hoác khi mái kè không còn ‘giá đỡ’ là phần đất và cát nền. Từ không gian bị rỗng trên, nước tiếp tục đánh mạnh vào các phần mặt kè còn chân, kéo trôi đất, cát, đá ra biển, để lại nguy cơ đổ sập toàn bộ mái kè dài 200m vừa mới hoàn thành.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Hùng – cán bộ kỹ thuật của Công ty Tuấn Linh phụ trách theo dõi việc xây dựng kè phòng hộ thừa nhận: Kể từ khi thi công đến nay, có nhiều vị trí mái kè bị sụt lún, không đảm bảo độ an toàn trước các cơn sóng dữ. ‘Nguyên nhân sụt lún là bởi khi khảo sát, cả phía BQL dự án và nhà thầu đều không tính được con nước tại biển Hải Tiến sẽ thay đổi bất thường liên tục như vậy. Trong phạm thi công 2,1km bờ kè, đoạn 1,3km phía trên được cát bồi vào nên chỉ phải làm tường kè thẳng đứng, còn 760m bờ kè mái nghiêng phía dưới thì mực nước liên tục ở ngưỡng cao hơn chân kè, rồi các con nước xoáy sâu vào khiến chân kè bị sạt lở, kéo theo phần đất, cát nền ở thân kè cũng bị cuốn theo, từ đó khiến mặt kè bị sụt lún, có nguy cơ đổ sập’, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, ban đầu, nhà thầu có kiến nghị nên đặt các rọ đá hộc tại chân kè để chống xói lở, tuy nhiên, phía huyện không đồng ý vì cho rằng biển Hải Tiến là nơi để tắm, nếu đặt đá quanh bờ kè thì du khách sẽ gặp nguy hiểm và sẽ thu hẹp không gian tắm biển lại. “Phương án sắp tới, chúng tôi sẽ đào sâu 2m khu vực gần chân kè, sau đó chôn tấm vải lọc kỹ thuật theo phương thẳng đứng với độ sâu 1,5m, bao quanh là đất sét để tạo độ cứng chống xói lở. Như vậy, nếu sóng biển có tạt vào mạnh thì cũng không lo cát dưới mái kè bị trôi vì đã có vải lọc giữ cát lại rồi”, ông Hùng nói. Khi được hỏi nếu phương án này không khả thi thì nhà thầu còn phương án khác hay không, ông Hùng cho biết: Đến thời điểm hiện tạị, dự kiến chỉ còn phương án này phù hợp.
Ông Hán Thành Tuấn – Giám đốc Công ty Tuấn Linh cho biết: Trước thực trạng bờ kè bị sụt lún, không đảm bảo an toàn, ngày 4/5, ông đã chỉ đạo công nhân bóc gỡ từng phần kè để thi công lại. 'Trước tiên, công nhân bóc các phần kè bị sụt nghiêm trọng , sau đó bóc tiếp các phần lân cận, kế đến là xới toàn bộ 200m bờ kè mái nghiêng đã hoàn thành lên để làm lại theo phương án mới', ông Tuấn nói.
Về chi phí đào đi làm lại bờ kè, ông Tuấn cho biết: Nhà thầu sẽ tự bỏ kinh phí để thực hiện vì hạng mục này thi công chưa đảm bảo nên trách nhiệm của nhà thầu là phải sửa chữa. Khi được hỏi về việc khi nào bờ kè mái nghiêng 760m sẽ hoàn thành, ông Tuấn cho biết: Sẽ cố gắng làm xong trước mùa mưa bão năm nay. Như vậy, tuyến đường 2,1km mặc dù đã thông xe nhưng ít nhất phải chờ thêm 2 tháng nữa mới có kè bảo vệ trước sóng to, gió lớn hoặc mưa bão bất thường.
Ông Lê Văn Cường – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: Huyện đã nắm được thông tin bờ kè tại dự án Đường giao thông từ kênh Phúc Ngư đến thôn Giang Sơn bị nhà thầu bóc ra. Vào sáng nay (ngày 6/5), lãnh đạo huyện đã tổ chức họp để đưa ra phương án phối hợp cùng nhà thầu xử lý.