Đợt mưa lũ vừa qua mặc dù không quá lớn nhưng kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại cho các huyện tại miền núi của Thanh Hóa. Hiện nay, các địa phương và các cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả.
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá chiều ngày 25/7, cho thấy: Tính đến buổi sáng cùng ngày, mưa lũ đã gây sạt lở nhiều tuyến giao thông, các công trình nhà ở của người dân và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt. Trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra sạt taluy dương, đá lăn tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 1.740m3; sạt lở taluy âm tại 3 vị trí với chiều dài 40m.
Đối với các tuyến đường tỉnh lộ, sạt taluy dương tại 54 vị trí với khối lượng khoảng 4.730m3, chủ yếu tại các xã, Pù Nhi, Mường Chanh (huyện Mường Lát); đường tuần tra biên giới. Sa bồi mặt đường, rãnh, cống tại 81 vị trí, với khối lượng khoảng 1.090m3. Mưa lũ khiến nhiều nhà dân bị hư hỏng, trong đó huyện Mường Lát 4 nhà, huyện Quan Sơn 6 nhà, huyện Quan Hóa 9 nhà và 2 lều tạm.
Cũng theo thống kê cho thấy: Đối với sản xuất nông nghiệp, đã có 321,3ha lúa bị ngập, thiệt hại (huyện Mường Lát 13,7ha; huyện Nga Sơn 247,4ha; thị xã Bỉm Sơn 44,5ha, huyện Bá Thước 2,5ha; huyện Quan Sơn 6,8ha; huyện Quan Hoá 6,4ha).
Tại huyện Quan Hoá, đập Lóp Hán bị hư hỏng; 16 guồng nước dọc suối Khiết, xã Hiền Chung bị cuốn trôi; sạt taluy phía sau nhà văn hoá bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt.
Tại huyện Quan Sơn có 20m bờ kè bảo vệ bờ suối tại bản Sa Ná bị bong tróc. Nhà văn hoá bản Xộp Huối, xã Na Mèo bị sạt taluy âm sát nền nhà.
Các huyện Quan Hoá, Mường Lát, Bá Thước cũng đã phải sơ tán 51 hộ/220 khẩu sinh sống trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi trú ẩn an toàn.
Hiện nay, các địa phương; các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng. Chỉ đạo các cơ quan đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các hộ bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng; hướng dẫnknhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trước những thiệt hại vừa xảy ra và diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trực bão lũ 24/24; tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lún, sạt lở để có phương án xử lý và phân luồng giao thông; bố trí lực lượng trực gác hướng dẫn giao thông tại các vị trí ngập sâu, vị trí tràn ngập nước chảy xiết, để người tham gia giao thông được an toàn.
"Sở đã chỉ đạo các đơn vị quản lý huy động lực lượng, phương tiện khắc phục các vị trí sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đến sáng ngày hôm nay 25/7, các tuyến đường đã được thông suốt. Riêng các điểm taluy âm bị sạt, Sở đang bố trí người túc trực, rào chắn và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để cho chủ trương khác phục sớm", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, các sở ngành khác của tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý và chủ động bơm nước tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Các hồ chứa thuỷ điện trên dòng chính sông Mã đã vận hành xả lũ để hạ mực nước hồ chứa đảm bảo an toàn công trình theo quy định; Kiểm tra, rà soát, tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai, giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống.