Trong gần 3 năm hoạt động, mỏ đất của Công ty CP GT Phúc Đức đã gây ô nhiễm môi trường, sử dụng một số xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải để vận chuyển đất khiến tỉnh lộ 523 xuống cấp nghiêm trọng. Ít nhất 3 lần người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) chặn đường, không cho xe lấy đất tại mỏ này lưu thông.
Theo tìm hiểu, ngày 15/6/2021, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ký quyết định số 2058 chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với Công ty GT Phúc Đức (Công ty Phúc Đức) khai thác mỏ đất tại xã Hà Tiến, huyện Hà Trung với diện tích 11ha, trữ lượng hơn 660.417m3, công suất khai thác 180.000m3/năm, thời hạn khai thác trong vòng 4 năm.
Trong quá trình khai thác, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Phúc Đức phải triển khai thi công đảm bảo đúng phạm vi mốc giới, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường; bồi thường hệ thống giao thông, mương máng bị hư hỏng, sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp.
Trong giai đoạn giữa năm 2021 – 2022, mỏ đất này phục vụ đất đắp nền cho cao tốc Bắc – Nam. Khi dự án hoàn thành, vào ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép Công ty Phúc Đức được chuyển sang cung cấp đất san lấp cho các công trình sử dụng ngân sách nhà nước, công trình khắc phục thiên tai, công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng NTM.
Theo phản ánh của người dân xã Hà Tiến, từ khi mỏ đất này đi vào hoạt động là chuỗi ngày “kinh hoàng” của các hộ dân sống trên trục đường ĐT.523 (hay còn gọi là tuyến đê sông Hoạt). Nguyên do là bởi, các xe Howo 3 chân, 4 chân sau khi lấy đất tại mỏ thường xuyên chạy với tần suất dày, nối thành đoàn đi trên đường gây ùn tắc. Cực chẳng đã, từ năm 2022 đến nay, người dân đã ít nhất 3 lần mang gạch gỗ ra chặn đường, khiến đoàn xe nhiều phen tắc xe tắc cứng.
Bà L.T.L. (trú thôn Yên Phú, xã Hà Tiến), sống ngay giáp khu mỏ cho biết: Mỗi ngày, từ 4-5h sáng, các đoàn xe bắt đầu vào mỏ để “ăn đất”, đến chập tối mới nghỉ. “Từ khi mỏ này hoạt động, nhà tôi thường xuyên đóng, quét dọn luôn tay nhưng vẫn không thoát được bụi. Quá bức xúc, tôi đã nhiều lần gọi cho chủ mỏ để phản ánh nhưng đến nay cũng chưa thấy thay đổi gì”, bà L. nói.
Chị Nguyễn Thị Phượng, trú thôn Yên Phú cho biết: Kể từ khi mỏ đất hoạt động, gia đình phải sống chung với bụi, tiếng ồn cả ngày lẫn đêm. Vào giờ tan tầm, khi học sinh, công nhân lao động trở về thì thường xuyên gặp ách tắc do xe tải chở đất kéo thành đoàn, chiếm hết diện tích mặt đường. Quá trình di chuyển, người dân cũng phản ánh nhiều xe không che bạt, làm rơi vãi đất ra đường.
Ghi nhận vào các ngày 31/3, 3/4 tại khu vực mỏ của Công ty Phúc Đức, PV không thấy có trạm cân tải trọng. Sau khi lấy đất xong, các xe tải chở đất nối đuôi nhau rời đi. Di chuyển ra đường tỉnh lộ ĐT.523, một số xe có dấu hiệu cơi thùng, chở quá tải nhưng không được kiểm tra, xử lý. Trong công tác bảo vệ môi trường, mỏ đất chưa xây dựng mương tiêu, thoát nước… Về các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm như lắp đặt trạm rửa lốp xe, bố trí người quét dọn, phía quản lý mỏ đất cũng không thực hiện.
Thiếu tá Phạm Trắc Cường – Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Hà Trung cho biết: Đúng là tuyến đê sông Hoạt có tải trọng tối đa là 12 tấn, tuy nhiên, do cơ quan chức năng vẫn chưa cắm biển báo dọc tuyến đường này nên lực lượng CSGT gặp khó trong việc xử lý. Về vấn đề các xe tải tại mỏ đất của Công ty Phúc Đức chạy với mật độ dày, có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải, không phủ bạt, Thiếu tá Cường cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Hữu Thành – Chủ tịch UBND xã Hà Tiến cho biết: Do mới về địa phương nhậm chức vào hôm thứ 2 (ngày 1/4) nên ông chưa nắm rõ tình hình về mỏ đất. Tuy nhiên, ông Thành cho biết trước đây cũng đã nghe phản ánh của người dân về những hệ lụy của mỏ này. Vì vậy, trong cuộc giao ban ở xã mới đây, ông đã chỉ đạo gửi văn bản, mời chủ mỏ đến làm việc về các nội dung như mốc giới khai thác, xe chở đất, những phương án khắc phục về môi trường của công ty để đảm bảo đời sống nhân dân.
“Chúng tôi sẽ làm cương quyết, yêu cầu mỏ này phải thực hiện các cam kết với địa phương và đảm bảo đời sống nhân dân, tránh để tình trạng người dân chặn đường để phản đối như thời gian trước. Còn về các xe chạy với mật độ dày đặc, có dấu hiệu quá khổ, quá tải, chúng tôi sẽ có ý kiến đề nghị CSGT huyện hỗ trợ xử lý”, ông Thành khẳng định.
Ông Vũ Văn Thưởng - Giám đốc Công ty CP GT Phúc Đức cho biết, trên danh nghĩa thì ông là người đại diện pháp luật của Công ty nhưng thực tế hiện nay, việc điều hành và quản lý mỏ là một người khác. Ông Thưởng sau đó đề nghị PV liên lạc với người quản lý đang trực tiếp điều hành mỏ để làm rõ những phản ánh.
Trao đổi với người quản lý tên Thi về các vấn đề đang tồn tại tại mỏ đất như ô nhiễm môi trường, không lắp đặt trạm cân, xe vận chuyển cơi thùng, có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải... thì ông Thi phủ nhận toàn bộ. "Mỏ bên anh làm đủ cả mà, từ trạm cân cho tới khai thác, xe chở đất đi cũng đúng tải hết. Từ ngày làm đến nay, anh cũng không thấy người dân phản ánh gì cả", ông Thi nói chắc nịch.
Ông Đặng Văn Thiện - Trưởng phòng TN&MT huyện Hà Trung cho biết: Cho tới nay, mỏ đất của Công ty Phúc Đức chưa lắp trạm cân. Đầu năm 2024, mỏ này đã bị xử phạt hành chính với nhiều lỗi vi phạm. Trong quá trình hoạt động, mỏ cũng gây ra nhiều hệ lụy, bị người dân phản ánh, nhất là về môi trường.