Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị phải bao quát tổng thể công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện. Các trường hợp chậm trễ trong xử lý công việc, chất lượng tham mưu thấp, có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực... cần xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá ngày 7/1 cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn vừa ký Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính.
Chỉ thị nêu rõ, vẫn còn một số ngành, địa phương, đơn vị chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành, quy định làm việc của UBND tỉnh và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều đơn vị, ngành, địa phương triển khai công việc chậm tiến độ, thậm chí không thực hiện, chưa chủ động, thiếu quyết liệt, chất lượng tham mưu chưa đảm bảo yêu cầu của UBND tỉnh giao. Còn tình trạng cơ quan chủ trì không tham mưu rõ nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Còn xảy ra hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý.
Một bộ phận cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành, quyết định của cấp trên, vi phạm quy định về văn hoá công sở, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh, yêu cầu doanh nghiệp, công dân phải “chung chi” trong quá trình thực thi công vụ. Người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm, quyền hạn được giao...
Thực tế chứng minh, thời gian gần đây có nhiều lãnh đạo, cán bộ ở một số ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hoá vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có lãnh đạo cấp huyện thuộc diện Thường vụ Tỉnh uỷ quản tham gia đánh bạc bị cơ quan điều tra bắt quả tang. Có việc cán bộ thanh tra yêu cầu doanh nghiệp hối lộ dẫn tới việc rơi vào vòng lao lý.
Từ đó làm ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính, làm giảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, làm suy giảm lòng tin của công dân và ảnh hưởng đến các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Tại Chỉ thị số 01/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu: Giám đốc các sở, trưởng các ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp. Các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không đùn đẩy, né tránh, bỏ sót nhiệm vụ, không trực tiếp xử lý các công việc không được giao chủ trì.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, huyện, thị, thành, trong quá trình tham mưu giải quyết công việc, phân tích, làm rõ sự phù hợp của nội dung đề xuất với các quy định hiện hành của pháp luật. Các văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh do người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị ký theo đúng quy định.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tiếp nhận, xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ, công việc của cán bộ, công chức, viên chức; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc được giao.
Các trường hợp chậm trễ trong xử lý công việc, chất lượng tham mưu thấp, có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Phân công công tác theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành. Thống nhất chủ trương thực hiện đồng bộ việc đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định từ tỉnh đến xã tại công sở trong giờ làm việc.
Kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy các cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, không hoàn thành trách nhiệm được giao.
Người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị cần bao quát tổng thể công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh. Thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, văn hoá công sở, văn hoá ứng xử với tổ chức, công dân; không uống đồ uống có cồn trong giờ hành chính, buổi trưa của ngày làm việc, ngày trực...
Sở Nội vụ có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Trước mắt, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất về kỷ cương hành chính tại một số ngành, địa phương trước, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.