Chính trị

Thanh Hóa: Nhiều ý kiến đóng góp sát thực tế tại kỳ họp HĐND tỉnh

Anh Tuấn 13/12/2023 20:50

Chiều 13/12, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII có 17 đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến với nhiều nội dung quan trọng.

ky-hop-17.jpg
Toàn cảnh ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với việc thảo luận làm rõ hơn những kết quả đạt được năm 2023, các đại biểu cũng tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong khâu tổ chức thực hiện. Từ đó, soi vào từng lĩnh vực, ngành mình để tìm những biện pháp khắc phục, đồng thời, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

Về lĩnh vực đầu tư, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư đề nghị, trong năm 2024, tỉnh cần đẩy mạnh tiến độ tính tiền sử dụng đất đối với những dự án đã chấp thuận đầu tư; kiến nghị Trung ương tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất lúa; quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ; đẩy mạnh GPMB trong thực hiện các dự án công và dự án đầu tư trực tiếp; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI…

nghia-ke-hoach1.jpg
Đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu kiến nghị tại kỳ họp.

Về lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT đề nghị trong năm 2024, cần tiếp tục tập trung sản xuất theo đúng kế hoạch hằng năm; mở rộng vùng lúa tẻ, lúa nếp, các loại lúa đặc sản chất lượng cao; rà soát lại vùng trồng mía, sắn để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy; mở rộng diện tích liên kết trong sản xuất; kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; sớm đưa các dự án lớn vào sản xuất; đảm bảo an ninh rừng, phòng cháy chữa cháy; tập trung chỉ đạo trồng rừng sau khai thác.

Ngoài ra, cần quyết liệt chỉ đạo gỡ thẻ vàng châu Âu; động viên ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản đúng quy định; chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là khu vực xung yếu về dân cư; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư cho đồng bào các dân tộc; đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM và OCOP, trọng tâm hướng đến việc đề nghị Trung ương công nhận huyện Hậu Lộc và Hà Trung đạt chuẩn NTM năm 2023, xác định lộ trình để công nhận ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2024, 2025.

cuong-nn(1).jpg
Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NNPTNT phát biểu tại kỳ họp.

Đại diện cho các doanh nghiệp (DN), đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết, hiện nay, dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh của các DN bị ngưng trệ, DN đói vốn trong khi các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì lại thừa tiền, đây là các vướng mắc thực tế khi tiếp cận nguồn vốn. Mắc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng số DN được thụ hưởng, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ vẫn rất hạn chế vì kèm theo quá nhiều điều kiện mà DN không thể đáp ứng được.

Ông Đoan nói, có nhiều DN phản ánh, hiện vẫn nhiều thủ tục hành chính chồng chéo, rườm rà, phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của DN, điển hình như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng... Cùng với đó, vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém về năng lực; tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đang ít nhiều gây bức xúc trong DN.

doan-dn.jpg
Đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nêu 5 kiến nghị tại kỳ họp.

Ông Cao Tiến Đoan kiến nghị tới HĐND tỉnh 5 vấn đề. Một là đề nghị lãnh đạo tỉnh quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết công việc cởi mở hơn; nếu tỉnh giao việc cho một đơn vị sở, ngành chủ trì, tham mưu thì nên tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến giữa các cơ quan liên quan trực tiếp, lập biên bản làm việc chung để làm cơ sở thực hiện, tránh tình trạng một công việc phải giải quyết ‘vòng tròn’; mạnh dạn thuyên chuyển công tác những cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc; khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc được giao.

Hai là đối với những văn bản trả lời đề xuất, kiến nghị của DN cần trả lời cụ thể, có hướng dẫn chi tiết để DN dễ hiểu, dễ thực hiện. Đối với những nội dung không đồng ý thì cần dẫn chứng cụ thể lý do, tránh tình trạng nêu chung chung để né tránh.

Ba là việc giải ngân vốn đầu tư công đang chậm, nguyên nhân là do giá vật liệu chưa sát với thực tế khiến cho DN càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến chậm tiến độ. Cùng với đó, việc cấp phép khai thác khoáng sản với trữ lượng còn thấp so với thực tế nhu cầu. Khi DN phải mua “chui” với giá cao, không hóa đơn sẽ rơi vòng lao lí, mà ngành chức năng cũng rất khó quản lý, lãng phí ngân sách. Từ đây, đề nghị lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này.

dai-bieu-ngay-2.jpg
Các đại biểu lắng nghe các kiến nghị tại kỳ họp.

Bốn là với đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng nhà nước có chi nhánh đóng trên địa bàn rà soát và chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hỗ trợ DN; làm rõ việc các DN đã, đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi, gói hỗ trợ của Chính phủ. Năm là kiến nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về cho mượn/thuê trụ sở làm việc, nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội khi đón tiếp, làm việc với đối tác, các cơ quan chức năng khi đến làm việc.

Về cấp địa phương, đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho khu vực miền núi, nhất là các tuyến đường giao thông trọng điểm, kết nối vùng, các tuyến đường phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như hồ đập, mương, bai.

hong-lang-cahnh.jpg
Đại biểu Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh phát biểu tại kỳ họp.

Ông Hồng đề nghị, tỉnh sớm rà soát, báo cáo các bộ ngành liên quan cho mở thêm một số của khẩu phụ ở các huyện có biên giới với nước bạn Lào như cửa khẩu phụ tại Méng, xã Yên Khương và sớm triển khai tuyến đường giao thông từ Méng đi cụm bản Phôn Xay, nối với đường từ cửa khẩu Khẹo đi huyện Sầm Tớ (nước bạn Lào) để nhân dân hai nước giao thương buôn bán..

Ngoài ra, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh cũng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo các sở ngành sớm bàn giao đất từ các chủ rừng đã được rà soát, thống nhất giao cho địa phương quản lý và giao cho Nhân dân sử dụng, canh tác; chỉ đạo Sở NNPTNT xây dựng Đề án hỗ trợ trồng mới thay thế diện tích luồng thoái hóa bằng giống luồng có chất lượng cao; hoàn thành việc đầu tư điện lưới quốc gia cho các thôn bản còn lại; đề nghị xếp hạng quần thể núi Chí Linh là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

yeu-lam.jpg
Ông Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh thay mặt chủ toạ kỳ họp tiếp thu các ý kiến của các đại biểu.

Trong buồi chiều 13/12, đã có tổng cộng 17 ý kiến đóng góp vào báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của UBND tỉnh năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; các tờ trình trình tại kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hóa: Nhiều ý kiến đóng góp sát thực tế tại kỳ họp HĐND tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO