Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Tỉnh sẽ cô gắng huy động tối đa các nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bản thân gia đình người có công để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.
Sáng ngày 27/7, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; biểu dương người có công tiêu biểu và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Dự lễ kỷ niệm có các ông: Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Tới dự buổi lễ còn có các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, các đồng chí cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình có công với nước trong toàn tỉnh; 175 đại biểu đại diện cho trên 349.000 người có công với cách mạng trong toàn tỉnh.
Mở đầu buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn gửi lời thăm hỏi ân cần, kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình có công với nước trong toàn tỉnh.
Ôn lại lịch sử hào hùng trong các cuộc kháng chiến, ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Thanh Hóa tự hào là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào và Campuchia, hơn 150.000 thanh niên tỉnh nhà đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu trên khắp các chiến trường.
Đi qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, đã có 55.932 người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh; 43.751 thương binh; 15.959 bệnh binh; có 4.630 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (hiện có 94 mẹ còn sống); 1.636 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; có 19.183 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học…
Toàn tỉnh hiện nay có trên 69.400 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hằng tháng. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, có trên 99,8% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình người có công để kịp thời có hình thức động viên, giúp đỡ phù hợp, thiết thực bằng cả vật chất và tinh thần. Tiếp tục triển khai công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo, quản lý chăm sóc các phần mộ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh liệt sĩ để tỏ lòng ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa sẽ cố gắng huy động tối đa các nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bản thân gia đình người có công để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần của người có công ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư”, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Sau khi xem phóng sự: Tỉnh Thanh Hóa 75 năm thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương, bệnh binh như cảm nhận lại được chiến trường năm xưa, nơi những đồng đội và ngay chính bản thân họ đã một lòng chiến đấu cho tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đấu tranh và giữ vững độc lập cho dân tộc dù phải đổ máu hoặc nằm lại cùng đất mẹ.
Hình ảnh người lính khoác ba lô lên đường nhưng mãi mãi không thể trở về với quê hương, họ đã để lại một phần cơ thể, máu xương của chính mình nơi chiến trường đầy gian khổ, khốc liệt để về hòa cùng dòng chảy của dân tộc. Khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, những chiến sĩ may mắn quay về vẫn không thể quên được hình ảnh của đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Dẫu đau thương là vậy, họ tạm gác nỗi buồn sang một bên và tiếp tục vươn lên, cống hiến sức mình trong lao động, sản xuất, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà và quê hương.
Trong khuôn khổ buổi lễ, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy đã trao biển tượng trưng số tiền hơn 5 tỷ đồng cho 92 hộ gia đình chính sách nghèo.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan trao tặng 1.400 suất quà cho các đối tượng chính sách.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trao tặng Bằng khen cho 165 người có công, thân nhân người có công với cách mạng tiêu biểu và 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.