Bão số 3 đổ bộ vào đất liền và gây mưa rất to trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết các phường, xã tại khu vực đồng bằng đều bị ngập lụt. Đợt mưa này được đánh giá là một trong những đợt lớn nhất trong lịch sử xảy ra tại Thanh Hóa.
Chiều 22/7, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Trung Lý cho biết: “Ngay khi dự báo bão Wipha có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, trong ngày 21/7, xã đã nhanh chóng sơ tán 19 hộ/127 nhân khẩu tại bản Tung ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị mọi phương án như lương thực, thuốc men, máy móc và các phương tiện để kịp thời di dời thêm người dân ở các khu vực khác có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân đều được quán triệt phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong đợt mưa lũ này”.
Còn tại xã miền núi Phú Lệ, ngày 22/7, bầu trời vần vũ với những đĩa mây khổng lồ, gió cấp 5 - 6, lượng mưa đo được phổ biến từ 80 - 100mm. Trao đổi với PV Báo Đại đoàn kết, ông Hà Văn Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lệ cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 45 hộ/129 nhân khẩu tại bản Tê Giác và 59 hộ/227 nhân khẩu tại các bản khác của xã, được xác định nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét cao, cần phải di dời khi xuất hiện hiện tượng sạt lở. Để chủ động ứng phó, xã đã chuẩn bị 6 hội trường nhà văn hóa, 1 khu công sở cùng lương thực thực, thực phẩm, thuốc men… đủ dùng trong 3 ngày cho người dân, nếu phải thực hiện công tác sơ tán, di dời. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã kêu gọi các hộ gia đình trên địa bàn sẵn sàng cung cấp máy móc, phương tiện để kịp thời phối hợp với chính quyền, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Với phương châm 4 tại chỗ, chúng tôi đang tập trung theo dõi tình hình thời tiết để kịp thời đưa ra các biện pháp tối ưu, đảm bảo cho tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn xã” - ông Thủy nói.
Tại khu vực đồng bằng, ven biển, sau khi bão Wipha đi vào đất liền đã gây ra mưa lớn kéo dài đến hết ngày 22/7. Lượng mưa đo được tại vùng đồng bằng ven biển của Thanh Hóa là từ 200 - 300mm, cá biệt có nhiều nơi, lượng mưa đo được lên đến 400mm.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến phố, khu dân cư đã ngập sâu. Nước lên nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp di dời tài sản đến nơi cao như tại các tuyến phố chính: Trần Phú, Bà Triệu, Hàn Thuyên, Lê Hoàn (phường Hạc Thành), Lê Lai, Đại lộ Lê Lợi (phường Quảng Phú)… Anh Lê Văn Hùng, một tài xế taxi vừa đội mưa nhờ người đẩy chiếc xe ô tô 4 chỗ đã chết máy do bị ngập nước trên đường Đại lộ Lê Lợi vừa cho biết: “Khoảng 2 tiếng trước, khi chở khách qua đây, nước mới chỉ ngập ngang nửa bánh xe, vậy mà khi quay về, nước đã lên nhanh quá. Vì không còn đường nào khác để tránh, đành đi liều về nhà, đến đây thì nước tràn vào khoang, chết máy”.
Mưa lớn kéo dài cũng đã đã gây ngập úng đối 6.349 ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu các lực lượng vũ trang, các sở ban, ngành, các xã, phường khu vực đồng bằng, ven biển, các công ty khai thác công trình thủy lợi, Điện lực Thanh Hóa, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Lên phương án tiêu úng, nhất là tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, khu công nghiệp, các tuyến đường giao thông. Vận hành khẩn cấp, huy động tối đa công suất các trạm bơm tiêu, cống tiêu để tiêu úng và tiêu tháo nước đệm, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng bị ngập úng. Chỉ đạo các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra liên tục các trục tiêu, kênh tiêu, trường hợp có ách tắc dòng chảy phải tổ chức thanh thải ngay để đảm bảo không cản trở việc tiêu thoát nước. Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các địa phương phải sẵn sàng các phương án khi có tình huống xấu xảy ra.