Xã hội

Thanh Oai, Hà Nội: Viết tiếp dấu mốc lịch sử trong thời bình

Thanh Bình 16/08/2024 15:00

70 năm sau ngày giải phóng (1954- 2024), huyện Thanh Oai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, ấn tượng nhất là sự phát triển đột phá về hạ tầng giao thông cũng như sự thông thoáng về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Sáng ngày 16/8 Huyện uỷ - HĐND - UBND-UBMTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện Thanh Oai (16/8/1954 – 16/8/2024). Dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội....

Những mốc lịch sử đáng tự hào

Ôn lại lịch sử cách mạnh vẻ vang tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết: Ngay trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1930-1939), phong trào cách mạng ở Thanh Oai bước đầu đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở một số làng xã phía Bắc huyện, như: Phú Diễn - Hữu Từ - Tả Thanh Oai, Mai Lĩnh - Yên Phúc - Yên Thành... là địa bàn thường xuyên có cán bộ Trung ương và xứ ủy hoạt động. Trong quá trình nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, nhiều quần chúng được bồi dưỡng, giác ngộ. Trong giai đoạn từ năm 1942 đến 8/1945, các cơ sở Đảng trên địa bàn huyện Thanh Oai đã tích cực xây dựng, phát triển các tổ chức cứu quốc, lực lượng tự vệ vũ trang, tổ chức quần chúng đấu tranh chống phát xít. Đến ngày 10/10/1945, Chi bộ đội công tác của huyện Thanh Oai được thành lập. Đây là tổ chức Đảng đầu tiên ở cơ quan đầu não của huyện có nhiệm vụ lãnh đạo, tổ chức các phong trào cách mạng, đồng thời thúc đẩy công tác phát triển Đảng ở các khu vực tiến tới thành lập Ban Huyện ủy (Đảng bộ huyện).

436-202408172144041.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các lãnh đạo Thành phố tặng hoa chúc mừng huyện Thanh Oai.

Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1 “Lệnh tổng khởi nghĩa”, khắp các làng xã thuộc Thanh Oai nổi dậy giành chính quyền. Sáng ngày 27/8/1945 được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hàng trăm quần chúng tự vệ vũ trang đã tổ chức biểu tình chiếm huyện lỵ Kim Bài. Từ đây chính quyền cách mạng từ huyện đến xã được thành lập.

Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Thanh Oai huy động hàng ngàn người tham gia lực lượng dân quân du kích, dân công hỏa tuyến và lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ, vận động nhân dân đào đắp hàng trăm km giao thông hào, xây dựng hàng nghìn căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, quyên góp tiền, vàng và hàng trăm tấn lương thực ủng hộ kháng chiến; chỉ đạo các xã Thanh Thùy, Tam Hưng, Tân Ước, Đỗ Động, Hồng Dương mở khu du kích, đồng loạt nổi dậy phá tề trừ gian. Toàn huyện đã xây dựng 13 làng kháng chiến liên hoàn, tiêu biểu như làng kháng chiến xã Tam Hưng đã đóng góp cho kháng chiến 28.945 kg gạo và 386.271 đồng Đông Dương… Đặc biệt là ngay thời gian đầu của cuộc kháng chiến, nhân dân Thanh Oai đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở, làm việc và bảo vệ an toàn cho Người tại thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương trong suốt 25 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 đến ngày 13/1/1947).

436-202408172144042.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan trao thưởng cho các cá nhân.

Toàn huyện đã tổ chức đánh địch 516 trận, trong đó có 392 trận chống càn, 32 trận tập kích, 38 trận phục kích, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, bắt sống 357 tên, thu hơn 100 khẩu súng các loại… Những chiến công oanh liệt và mất mát hy sinh của nhân dân trong Huyện đã góp phần chia lửa với chiến trường chung của cả nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ đó những địa danh "Tam Hưng anh dũng" và "Quế Sơn oai hùng" mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương, như những trang sử hào hùng nhất của thời kỳ chống thực dân Pháp ở huyện Thanh Oai.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Thanh Oai tiếp tục ra sức thi đua, xây dựng CNXH ở Miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho Miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống anh hùng, sau gần 40 năm đổi mới, 16 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa 12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân trong huyện đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,1 triệu đồng/người/năm. 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt 14.863 tỷ đồng (tăng 14,9 % so với cùng kỳ), tổng thu ngân sách nhà nước đạt 655,5 tỷ đồng(bằng 229% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, giải phóng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường, dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện như: dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, dự án mở rộng Quốc lộ 21B; tuyến đường trục kinh tế huyện...

Đáng chú ý, năm 2020, Thanh Oai được Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay toàn huyện có 12/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024 huyện đã hoàn tất hồ sơ trình hội đồng Trung ương xét duyệt để công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bứt phá trở thành “điểm sáng” phía Tây Nam thủ đô

Minh chứng từ thực tế cho thấy, nếu như những năm 2000-2008, là huyện thuần nông, đời sống người dân còn khó khăn, thì đến nay, Thanh Oai đã trở thành điểm sáng của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực. Năm 2020, Thanh Oai được công nhận là huyện nông thôn mới, khẳng định bước chuyển mình đáng kể. Đời sống người dân được nâng cao; văn hóa, xã hội giáo dục được chú trọng; kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng tập trung quy mô lớn. Thanh Oai cũng phát huy nguồn lực kinh tế làng nghề, dịch vụ… Năm 2023, thu nhập bình quân của huyện đạt hơn 72 triệu đồng/người/năm. Đây là con số phản ánh sự phát triển toàn diện của Thanh Oai, trong đó cuộc sống người dân là trung tâm.

436-202408172144043.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Thanh Oai cũng là huyện sớm cán đích nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Thanh Oai đã có 20/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 12/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 60%), 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 15%), thị trấn Kim Bài đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành phố Hà Nội và trung ương công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024, trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện đề ra.

Trong quá trình xây dựng, huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Tính đến tháng 6-2024, toàn huyện chỉ còn 5 hộ nghèo, 499 hộ cận nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều là 0,61%. Dự kiến cuối năm 2024, huyện không còn hộ nghèo, 100% người dân được sử dụng nguồn nước sạch…

Có được kết quả trên theo ông Bùi Hoàng Phan huyện đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại; 100% hệ thống giao thông liên xã, nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Trong năm 2023, huyện khởi công xây dựng 3/5 cụm công nghiệp và chợ đầu mối Nam Hà Nội đi vào hoạt động. Dự kiến trong năm 2024, huyện khởi công xây dựng một số cụm công nghiệp, triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 21B, xây dựng trục đường phát triển kinh tế…

436-202408172144044.jpg
Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng huyện; Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) được vinh danh.

Đặc biệt, Thanh Oai đang tập trung chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; thực hiện tốt công tác phát triển đô thị, hoàn thành quy hoạch vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch liên quan trên địa bàn huyện đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng…

Với những kết quả trên phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những đóng góp, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Oai đã đạt được trong suốt 70 năm qua.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Thanh Oai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phương thức hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của huyện. Đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân, xây dựng quê hương Thanh Oai ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhấn mạnh vị trí huyện Thanh Oai nằm trong khu vực phạm vi mở rộng đô thị sinh thái của Thủ đô, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, đây là điều kiện rất thuận lợi cho huyện phát triển trong tương lai. Do đó, tới đây huyện cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho đồng bộ, phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô; quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, gắn với tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đô thị, môi trường, giải phóng mặt bằng, phòng cháy chữa cháy…. Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp hiệu quả, chất lượng cao nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Thanh Oai nhiều phần thưởng cao quý; có 2 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Trong công cuộc đổi mới, cán bộ, nhân dân Thanh Oai vinh dự 2 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì; nhiều tập thể, cá nhân trong huyện được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng các phần thưởng cao quý khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Oai, Hà Nội: Viết tiếp dấu mốc lịch sử trong thời bình