Quý 1/2023, kinh tế TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%; thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác. Điều này gây bất ngờ cho cả lãnh đạo thành phố cũng như các chuyên gia kinh tế. Chậm giải ngân đầu tư công được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đó.
Tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp
Ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, năm 2023, quận được thành phố giao 363 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 28 tỷ đồng, đạt 7,82%. Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng thông thường tiến độ giải ngân đầu tư công quý 1 sẽ không cao vì kế hoạch năm 2022 đã tập trung lấy tất cả khối lượng của các dự án chuyển tiếp nên không còn nhiều dự án để giải ngân. Với những dự án khởi công mới mà có bồi thường thì phải làm thủ tục. Thời gian duyệt xong phương án mất 6 - 7 tháng nên đa số đến quý 3 mới giải ngân được.
Tương tự, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho hay, giải ngân không thể chia đều cho 12 tháng vì rất nhiều các hoạt động tập trung vào từng thời điểm, tùy theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc tiến độ thi công. Không phải tháng 2, tháng 3 giải ngân được bao nhiêu mà chúng ta phải bám sát kế hoạch. Hiện tại, theo kế hoạch TP Thủ Đức tập trung giải ngân nhiều vào tháng 9, 10. Việc này dựa trên thực tiễn nghiên cứu chi tiết các dự án đầu tư trên địa bàn.
Số liệu của Kho bạc Nhà nước TPHCM, đến 24/3, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố đã giải ngân là 951,515 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2% tổng số vốn giao (43.443,336 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách thành phố giải ngân là 793,219 tỷ đồng, đạt 3% tổng số vốn giao (28.446,355 tỷ đồng); ngân sách Trung ương giải ngân là 158,296 tỷ đồng, đạt 1% tổng số vốn giao (14.996,981 tỷ đồng).
TS Trần Du Lịch cho rằng, trong quý 1/2023, TPHCM chỉ giải ngân được 2% tổng số vốn giao khoảng hơn 951/43.443 tỷ đồng là quá thấp. Như vậy, TPHCM đã không sử dụng hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích nền kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM mong rằng, thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công. Nói riêng ngành vật liệu xây dựng, thời gian qua bị chững lại, không tiêu thụ được do bất động sản đình trệ kéo dài. Kỳ vọng đầu tư công sẽ giải thoát tồn kho và kích hoạt cho vật liệu xây dựng, ngành xây dựng.
Nhanh chóng tháo nút thắt
Giải thích rõ về tiến độ thực hiện đầu tư công, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (TCIP) cho biết, trong 31.000 tỷ đồng giải ngân cho các dự án hạ tầng trong năm nay thì có đến 23.000 tỷ đồng của dự án Vành đai 3 (chiếm 80%). Dự kiến, tỷ trọng giải ngân sẽ tăng dần từ quý 2. Theo lãnh đạo TCIP, thành phố có 3 tổ công tác và tất cả ban điều hành dự án đều có báo cáo tiến độ chi tiết. “Thành phố đã tổ chức buổi họp giao ban giải ngân vốn đầu tư công, đề ra giải pháp khắc phục các hạn chế. Từ đó thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023, đảm bảo kết quả giải ngân ít nhất đạt 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ” - bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM nói.
Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công trong quý 1 còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Rà soát, giải quyết các nhóm vấn đề lớn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Xem xét, đề xuất việc đầu tư dự án Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc theo phương thức PPP. Tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ga T3, Metro 1, Dự án Rạch Xuyên tâm; Nút giao An Phú; mở rộng Quốc lộ 50; .... và các công trình đã khởi công.
Thừa nhận công việc còn tồn đọng nhiều ở các sở, như Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng... ông Phan Văn Mãi- Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị chiếm tỷ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm phải thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc giải quyết. Các dự án trọng điểm giao ban hàng tuần, thậm chí hàng ngày để cập nhật các khó khăn vướng mắc nhằm phối hợp giải quyết. Ngoài ra, các sở - ngành phải tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023. Theo lãnh đạo UBND TPHCM, kỳ họp này chủ yếu điều chỉnh kế hoạch trung hạn, kế hoạch đầu tư 2023 và làm thủ tục cho một số dự án để chạy với quyết tâm là sau kỳ họp thành phố phân bổ hết vốn dự phòng trung hạn và vốn 2023.
TPHCM từng đặt mục tiêu giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công để tạo dẫn dắt cho đầu tư xã hội. Tuy nhiên việc chậm giải ngân khiến nhiều chuyên gia kinh tế quan ngại. Ông Trần Du Lịch thẳng thắn góp ý: “Tôi rất buồn khi đầu tư công của thành phố chỉ đạt 2% so với kế hoạch. Cần phải tháo gỡ để giải ngân nguồn vốn, việc này tôi đã nêu từ quý 4/2022, đồng thời công khai, minh bạch những dự án nào chậm tiến độ. Thành phố phải giữ các động lực vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Nhìn chung, điểm cốt tử phải giải quyết là sự trì trệ của bộ máy hành chính”.